40 năm cuộc chiến đấu bảo vệ biên giới phía bắc (17.2.1979 - 17.2.2019): Cộng đồng quốc tế chung lòng với Việt Nam

Văn Khoa
Văn Khoa
17/02/2019 08:00 GMT+7

Vào ngày 21.2.1979, tại thủ đô Havana, Chủ tịch Cuba Fidel Castro đã có bài phát biểu bất ngờ trước hàng nghìn người dân nước này chuẩn bị tuần hành phản đối Trung Quốc tấn công VN.

Trang Cuba.cu dẫn phát biểu của Chủ tịch Fidel khi ấy nhấn mạnh: “Một trong những hành vi ghê tởm, hèn hạ, khốn nạn nhất mà chúng ta từng chứng kiến... là sự xâm lược VN vào lúc này. Đây là một tội ác khủng khiếp. Tội ác này không còn là của những kẻ thực dân, những đế quốc Nhật Bản, thực dân Pháp, hay đế quốc Mỹ, mà là của một quốc gia mà vài năm gần đây còn được xem là bức tường thành của cách mạng thế giới, một nước xã hội chủ nghĩa, một đất nước chống đế quốc, một đất nước thân thiện với các phong trào cách mạng... Đây là sự phản bội đáng kinh tởm nhất đối với các phong trào cách mạng trong suốt lịch sử của nhân loại”.
Báo Nhân dân ra ngày 13.3.1979 đưa tin quốc tế ủng hộ và sát cánh với VN trong cuộc chiến đấu bảo vệ biên giới phía bắc Ảnh: Tư liệu Báo Nhân dân
Báo Nhân dân ra ngày 13.3.1979 đưa tin quốc tế ủng hộ và sát cánh với VN trong cuộc chiến đấu bảo vệ biên giới phía bắc Ảnh: Tư liệu Báo Nhân dân
Chủ tịch Fidel nói tiếp: “Tất nhiên, chúng ta sẽ không nói người dân Trung Quốc đã gây ra sự phản bội này... Họ thậm chí không biết điều gì đang xảy ra tại thời điểm này. Họ không biết rằng lúc này VN đang bị tấn công, VN đang bị xâm lược. Những gì họ biết là sự lừa dối thông qua các phương tiện truyền thông đại chúng, phát thanh, truyền hình, báo chí trong tay của bè lũ phản động. Nhưng đâu thể dễ dàng qua mắt cả một dân tộc! Vì vậy, tôi tự hỏi tại sao lúc này giới lãnh đạo Trung Quốc không nói với nhân dân họ về sự thật của cuộc chiến tranh xâm lược, sự xâm lược trắng trợn đang chống lại nhân dân VN?”.
Chủ tịch Fidel còn khẳng định những hành vi quấy rối của Trung Quốc đối với VN đã được tiến hành trong một thời gian dài. Kết thúc bài phát biểu, Chủ tịch Fidel kêu gọi nhân dân thế giới đoàn kết và hô lên: “Nhân dân VN anh hùng muôn năm”. Khi đó, những người dự cuộc mít tinh đồng thanh hô “muôn năm” và bắt đầu cuộc tuần hành phản đối Trung Quốc xâm lược VN. Đến ngày 11.3.1979, tờ The Washington Post đăng tin nhiều đám đông đã xuống đường ở Havana để tham gia “cuộc tuần hành ủng hộ VN chống lại sự xâm lược của Trung Quốc”.
Bên cạnh đó, nhiều người dân Liên Xô cũng đã tham gia cuộc biểu tình phản đối Trung Quốc ở Moscow. Khi đó, nhiều người biểu tình vây quanh Đại sứ quán Trung Quốc, hô to những khẩu hiệu phản đối chính quyền Bắc Kinh đối với hành vi đưa quân xâm lược VN. Theo báo VKO, nhằm gây sức ép quân sự lên Trung Quốc, các quân khu Liên Xô đóng gần biên giới giáp với Trung Quốc đã tiến hành cuộc tập trận quy mô lớn trong thời gian từ ngày 12 - 26.3.1979. Không quân Liên Xô còn cử đơn vị sang VN để giải quyết vấn đề trinh sát đường không nhằm chống quân xâm lược trên lãnh thổ VN. Cũng theo VKO, kể từ khi Trung Quốc bắt đầu cuộc xâm lược đến cuối tháng 3.1979, Liên Xô đã đưa sang VN hơn 400 xe tăng, xe bọc thép, xe chở quân, 20 chiến đấu cơ cùng một số vũ khí khác.
Cuộc tấn công VN của Trung Quốc diễn ra chưa đầy một tháng nhưng rất tàn khốc. “Những ký ức về cuộc chiến ấy hằn mãi dọc vùng biên giới, không chỉ về số binh sĩ hai bên tử trận, mà còn vì quân Trung Quốc tàn phá nhiều thị trấn và ngôi làng khi rút quân, phá hủy bệnh viện và trường học trong động thái mà sau này quân đội Trung Quốc gọi là “nụ hôn tạm biệt”, theo bài xã luận trên The New York Times năm 2014. Tờ báo còn viết rằng theo một cựu sĩ quan tình báo Trung Quốc, những binh sĩ nước này tham gia cuộc tấn công năm 1979 được chỉ đạo phải tàn nhẫn và thể hiện những “cảm xúc cực đoan”.
Trước đó vào năm 2005, The New York Times cũng đăng bài viết về sự kiện năm 1979 với tựa đề: Was the War Pointless? China Shows How to Bury It (tạm dịch: Có phải là cuộc chiến vô nghĩa? Trung Quốc cho thấy cách chôn vùi nó”. Theo bài viết, nhiều người Trung Quốc từng tham gia cuộc tấn công VN năm 1979 rất khó khăn trong việc bày tỏ lý do họ tham gia. Phần lớn lưỡng lự bàn luận vấn đề này với người bên ngoài, thậm chí là với gia đình của họ. Khi được hỏi cuộc chiến diễn ra vì điều gì, cựu binh Long Siêu Cương chỉ trả lời: “Tôi không biết”.
Cũng trong bài viết trên, tác giả Howard French phản ánh sự thất bại của Trung Quốc, không chỉ là bên khơi mào chiến tranh mà còn là việc phạm sai lầm lớn. Tương tự, trong cuốn sách Denfending Trung Quốc (tạm dịch: Trung Quốc phòng thủ), xuất bản năm 1985, tác giả Gerald Segal kết luận cuộc tấn công VN năm 1979 của Trung Quốc là một sự thất bại hoàn toàn.
Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.