375 triệu USD thúc đẩy sản xuất lúa carbon thấp tại ĐBSCL

19/03/2024 18:18 GMT+7

Dự án hỗ trợ hạ tầng kỹ thuật cho lúa carbon thấp vùng ĐBSCL dự kiến triển khai tại 12 địa phương miền Tây (trừ Bến Tre) do Bộ NN-PTNT chủ trì với kinh phí thực hiện 375 triệu USD; thời gian thực hiện từ 2026-2031.

Ngày 19.3, tại TP.Cần Thơ, Bộ NN-PTNT tổ chức hội thảo tham vấn phát triển các dự án (DA) thích ứng với biến đổi khí hậu vùng ĐBSCL, đề xuất DA hỗ trợ hạ tầng kỹ thuật cho lúa carbon thấp vùng ĐBSCL.

Báo cáo ý tưởng đề xuất DA hỗ trợ hạ tầng kỹ thuật cho lúa carbon thấp vùng ĐBSCL, TS Nguyễn Thế Hinh, Phó trưởng ban Ban quản lý các DA Nông nghiệp (Bộ NN-PTNT), cho biết DA sẽ triển khai tại 12 địa phương trong vùng (trừ Bến Tre). Bộ NN-PTNT làm chủ DA, chi phí thực hiện 375 triệu USD. Trong đó, 360 triệu USD từ khoản vay IBRD của Ngân hàng Thế giới, 15 triệu USD từ vốn đối ứng từ Chính phủ và địa phương. Thời gian thực hiện từ 2026-2031 (thời gian chuẩn bị từ 2024-2025).

375 triệu USD thúc đẩy sản xuất lúa carbon thấp tại ĐBSCL- Ảnh 1.

Thứ trưởng Bộ NN-PTNT Trần Thanh Nam phát biểu tại hội thảo tham vấn

THANH DUY

DA có 3 hợp phần, mục tiêu là thúc đẩy sản xuất gạo carbon thấp chất lượng cao tại các tỉnh, thành vùng ĐBSCL. Mục tiêu này sẽ được đo lường thông qua các chỉ số như: tăng năng suất, sản lượng, thu nhập của nông dân, giảm khí nhà kính, thanh toán tín dụng carbon dựa trên kết quả.

Tại hội thảo, đại diện Sở NN-PTNT các tỉnh, thành ĐBSCL đã tích cực đóng góp ý kiến cho DA về nhiều vấn đề: chính sách, cơ chế cho đội ngũ khuyến nông cấp cơ sở; đầu tư cầu cống, trạm bơm, kênh thủy lợi; kết nối hạ tầng giao thương liên tỉnh; hoàn thiện tiêu chí lựa chọn doanh nghiệp trong tiêu thụ… Bên cạnh đó, từng địa phương đã chia sẻ kinh nghiệm, cũng như đề cập đến khó khăn riêng mong Bộ hỗ trợ tháo gỡ.

375 triệu USD thúc đẩy sản xuất lúa carbon thấp tại ĐBSCL- Ảnh 2.

Hội thảo có sự tham gia đóng góp ý kiến của đại diện Sở NN-PTNT các tỉnh, thành vùng ĐBSCL

THANH DUY

Theo Thứ trưởng Bộ NN-PTNT Trần Thanh Nam, trong 3 hợp phần thuộc DA sẽ có nhiều lĩnh vực. Có thể kể như hệ thống thủy lợi, nông nghiệp kỹ thuật số, hạ tầng năng lượng xanh, nền tảng trực tuyến và thương mại điện tử, công nghệ tiết kiệm nước, chuyển giao giống mới, khuyến nông điện tử… Thứ trưởng Nam cũng cho rằng cần phải xác định đâu là vấn đề trọng tâm để phân phối nguồn kinh phí cho phù hợp, hiệu quả, tránh tình trạng trải đều. Trong đó, phải cần đặc biệt quan tâm tới đầu tư tới hệ thống thủy lợi, hạ tầng giao thông, logistics và cơ giới hóa đồng bộ ở các khâu. Đồng thời, mở lớp tập huấn cho lực lượng khuyến nông cộng đồng về xây dựng HTX. Bởi, với diện tích lúa lớn triển khai trong DA, yêu cầu của sản xuất phải là HTX chứ không thể triển khai tổ hợp tác tạm thời.

Cũng theo ông Nam, việc nâng cao năng lực cho đội ngũ khuyến nông cộng đồng tại các cơ sở là rất cần thiết nhưng hiện nhiều tỉnh, thành chưa có chế độ hỗ trợ cho đội ngũ này. Do đó, Sở NN-PTNT các địa phương nên có sự chủ động đề xuất, kiến nghị với lãnh đạo tỉnh, thành việc xem xét, ban hành cơ chế, chính sách phù hợp cho đội ngũ khuyến nông.

DA hỗ trợ hạ tầng kỹ thuật cho lúa carbon thấp vùng ĐBSCL gồm 3 hợp phần. Hợp phần 1 ước tính 350 triệu USD, tài trợ cơ sở hạ tầng công cộng cần thiết hỗ trợ chuỗi giá trị gạo carbon thấp (khoảng 500.000 ha/12 địa phương) từ giai đoạn sản xuất ban đầu đến chế biến và tiếp thị.

Hợp phần 2 ước tính 20 triệu USD, nhằm nâng cao năng lực kỹ thuật của các cơ quan nghiên cứu và phòng kỹ thuật cấp quốc gia, khu vực và cấp tỉnh trong các lĩnh vực nghiên cứu về khí hậu, carbon thấp...

Trong khi đó, hợp phần 3 ước tính 5 triệu USD từ vốn đối ứng, sẽ cung cấp hỗ trợ trong việc điều phối, quản lý, giám sát và đánh giá (M&E) DA với mục đích đảm bảo rằng DA được triển đạt được các mục tiêu, chỉ tiêu và tác động dự kiến với chất lượng và hiệu quả cao nhất.

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.