27 năm sau khi đệ đơn, cụ ông 89 tuổi vẫn không thể ly hôn vợ

13/10/2023 16:11 GMT+7

Tòa án Tối cao Ấn Độ không đồng ý cho người đàn ông 89 tuổi ly hôn với người vợ đã chung sống 6 thập niên, sau 27 năm kể từ lần đầu ông đệ đơn yêu cầu chấm dứt cuộc hôn nhân.

Ly hôn vẫn là vấn đề nhạy cảm trên khắp Ấn Độ và trong 100 cặp đôi kết hôn chỉ có một cặp đôi đi đến ly hôn. Áp lực gia đình và xã hội buộc một số cặp vợ chồng ở nước này phải duy trì hôn nhân dù không hạnh phúc, theo AFP.

Những người muốn ly hôn phải nhận được sự chấp thuận của tòa án và tòa thường chỉ chấp thuận nếu có bằng chứng về hành vi tàn ác, bạo lực hoặc yêu cầu tài chính quá mức.

AFP cho biết ông Nirmal Singh Panesar, 89 tuổi, kết hôn vào năm 1963. Trong hồ sơ gửi cho hệ thống tư pháp hình sự của Ấn Độ, ông khai rằng mối quan hệ vợ chồng đã tan vỡ không thể hàn gắn vào năm 1984.

Năm đó, vợ ông là bà Paramjit Kaur Panesar, hiện 82 tuổi, đã từ chối cùng ông chuyển đến thành phố Chennai ở phía nam khi lực lượng Không quân Ấn Độ cử ông đến đó.

Ông Nirmal lần đầu đệ đơn ly hôn vào năm 1996 với lý do người vợ có hành vi tàn nhẫn và bỏ rơi ông. Yêu cầu của ông được tòa án cấp dưới chấp thuận vào năm 2000 nhưng lại bị bác bỏ vào cuối năm đó sau khi bà Paramjit kháng cáo.

Phải đến 2 thập niên sau, vụ việc mới được đưa ra trước Tòa án Tối cao Ấn Độ. Tòa này cuối cùng vẫn bác đơn ly hôn của ông Nirmal mặc dù đồng ý rằng cuộc hôn nhân của họ "không thể cứu vãn được".

27 năm sau khi đệ đơn, cụ ông 89 tuổi vẫn không thể ly hôn vợ - Ảnh 1.

Tòa án Tối cao Ấn Độ

INDIA TODAY

Phán quyết của tòa tối cao, được công bố hôm 12.10, cho biết: "Thể chế hôn nhân vẫn được coi là mạng lưới tình cảm, đạo đức và tinh thần và vô giá giữa người chồng và người vợ trong xã hội Ấn Độ".

Theo phán quyết, việc đồng ý cho ông Nirmar ly hôn vợ sẽ là một "sự bất công" đối với bà Paramjit. Bà đã nói với tòa rằng bà không muốn chết với "sự kỳ thị" mà một người đã ly hôn phải hứng chịu.

Bà cũng cho biết bà đã nỗ lực hết sức để tôn trọng "mối quan hệ thiêng liêng" của họ và vẫn sẵn sàng chăm sóc chồng lúc tuổi già. Hai người có với nhau 3 con.

Tình trạng tồn đọng kinh niên trong hệ thống tư pháp hình sự của Ấn Độ đồng nghĩa rằng một số vụ việc phải mất hàng thập niên mới được giải quyết. Chính phủ Ấn Độ cho biết vào năm ngoái, khoảng 43,2 triệu vụ việc đang chờ được giải quyết tại các tòa án trên cả nước.

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.