2.000 cán bộ chiến sĩ giữ an ninh trật tự tại Lễ khai ấn đền Trần

Cù Hiền
Cù Hiền
26/01/2024 22:28 GMT+7

Lễ khai ấn đền Trần diễn ra đêm 14, rạng sáng 15 tháng giêng âm lịch tại Tiên Miếu nhà Trần (tên gọi khác là đền Trần, P.Lộc Vượng, TP.Nam Định, tỉnh Nam Định).

Ngày 26.1, UBND TP.Nam Định (tỉnh Nam Định) tổ chức họp báo công bố công tác chuẩn bị cho sự kiện lễ khai ấn đền Trần 2024.

Tại buổi họp báo, bà Nguyễn Thị Như, Phó chủ tịch thường trực UBND TP.Nam Định (tỉnh Nam Định), cho biết đến thời điểm này, các công tác chuẩn bị để tổ chức sự kiện tâm linh lớn đền Trần gần như đã hoàn tất.

2.000 cán bộ chiến sĩ giữ an ninh trật tự tại Lễ khai ấn đền Trần- Ảnh 1.

Bà Nguyễn Thị Như, Phó chủ tịch thường trực UBND TP.Nam Định, chủ trì buổi họp báo

CÙ HIỀN

Theo báo cáo của UBND TP.Nam Định, thời gian tổ chức lễ hội từ ngày 20.2 - 25.2 (tức ngày 11 - 15 tháng giêng âm lịch).

Cụ thể, ngày 11 tháng giêng âm lịch (tức ngày 20.2) tổ chức rước kiệu Ngọc Lộ. Từ 7 giờ 30 phút đến 8 giờ thực hiện nghi lễ tại chùa Phổ Minh (Chùa Tháp). Từ 8 giờ - 9 giờ, rước kiệu Ngọc Lộ từ chùa Phổ Minh sang đền Trần. Từ 9 giờ - 9 giờ 30 thực hiện nghi lễ tại đền Thiên Trường.

Ngày 12 tháng giêng âm lịch (21.2) sẽ tổ chức lễ rước Nước, tế Cá. Ngày 13 tháng giêng âm lịch (22.2) thực hiện các phương án an ninh phục vụ lễ khai ấn và phát ấn do Công an TP.Nam Định chủ trì, báo cáo cụ thể phương án với lãnh đạo thành phố và lãnh đạo Công an tỉnh Nam Định.

Ngày 14 tháng giêng âm lịch (23.2), du khách thập phương và nhân dân vào lễ đầu năm tại đền Trần. Từ 21 giờ - 21 giờ 30 sẽ mời du khách và người không có nhiệm vụ ra bên ngoài khuôn viên đền Trần để Ban tổ chức làm công tác chuẩn bị nghi lễ dâng hương, rước kiệu ấn và khai ấn.

Ngày 15 tháng giêng âm lịch (24.2) sẽ tổ chức phát ấn. Cụ thể, từ 2 giờ sáng thực hiện lễ hội kiệu ấn về đền Cố Trạch. Từ 5 giờ sáng, tổ chức phát ấn cho nhân dân và du khách thập phương tại 3 nhà Giải Vũ và nhà trưng bày đền Trùng Hoa. Lực lượng Công an TP.Nam Định, Công an P.Lộc Vượng, bảo vệ dân phố, bảo vệ Ban quản lý di tích phối hợp để hoàn thành tốt công tác đảm bảo an ninh trật tự.

Ngày 16 tháng giêng âm lịch (25.2) tiếp tục phát ấn cho nhân dân và du khách tại các nhà Giải Vũ từ 7 giờ hàng ngày.

Để tổ chức tốt nội dung, chương trình Lễ hội khai ấn xuân Giáp Thìn năm 2024, lực lượng Công an tỉnh Nam Định huy động 2.000 cán bộ chiến sĩ, bảo vệ dân phố, dân phòng tham gia. Lực lượng công an sẽ phân luồng để đảm bảo du khách vui xuân an toàn, lễ khai ấn đầu năm được diễn ra suôn sẻ.

Sẽ cân đối lại việc đặt các hòm công đức để tránh phản cảm

Tại buổi họp báo, ông Nguyễn Đức Bình, Phó trưởng ban tổ chức Lễ hội khai ấn đền Trần Nam Định 2024, cho biết tại phần hội năm nay có thêm nhiều chương trình văn hóa, nghệ thuật như: Múa rối nước; trưng bày hội chợ sinh vật cảnh của tỉnh Nam Định; triển lãm hoàng cung thiên trường, dấu ấn vàng son; trưng bày triển lãm ảnh du lịch của tỉnh Nam Định; các sản phẩm OCOP của Nam Định… để phục vụ du khách tham quan.

Để hạn chế tình trạng chèo kéo khách hay "chặt chém" khách hàng tham gia các dịch vụ như đổi tiền lẻ, mua hàng… ông Nguyễn Đức Bình cho biết thêm, thành phố thành lập hai đoàn kiểm tra liên ngành đi giám sát các hộ kinh doanh trong suốt quá trình diễn ra lễ hội, nếu phát hiện có tình trạng tiêu cực như trên sẽ vào cuộc xử lý ngay. Điển hình như mùa lễ hội năm trước (2023), đoàn kiểm tra liên ngành đã phát hiện và xử lý 2 trường hợp vi phạm. Ngay sau khi phát hiện, đoàn kiểm tra đã làm rõ hành vi sai phạm và nhận thấy mức xử lý chưa đến mức bị xử lý hành chính, đoàn kiểm tra đã nhắc nhở, đồng thời yêu cầu cá nhân này cam kết không để xảy ra những vi phạm tương tự.

2.000 cán bộ chiến sĩ giữ an ninh trật tự tại Lễ khai ấn đền Trần- Ảnh 2.

Các hòm công đức đặt trong gian thờ của chùa Phổ Minh

CÙ HIỀN

Theo ghi nhận của Báo Thanh Niên, tại chùa Phổ Minh (ngôi chùa 800 tuổi, sở hữu nhiều di sản - PV) xuất hiện nhiều hòm công đức kích thước lớn gây phản cảm. Đáng chú ý, diện tích chùa tuy nhỏ, hẹp nhưng tại mỗi gian thờ luôn đặt hai chiếc hòm công đức kích thước lớn.

Giữa ban thờ thường là nơi để các con nhang, du khách đến thăm đặt lễ thì nay cũng được "biến" thành một hòm công đức kích cỡ nhỏ. Và để không quá lộ liễu thì tên hòm công đức không được sơn vàng mà cùng màu sơn đỏ với chiếc hòm.

Trả lời câu hỏi của PV Báo Thanh Niên về quy định việc đặt hòm công đức tại các di tích ở đền Trần, điển hình tại chùa Phổ Minh, ông Nguyễn Đức Bình cho biết sẽ ghi nhận ý kiến đóng góp, đồng thời ban tổ chức sẽ trao đổi với sư trụ trì tại chùa và xem xét, cân đối lại việc đặt các hòm công đức sao cho không gây phản cảm tới du khách thập phương, tránh thương mại hóa tâm linh nơi đất phật.

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.