13 năm báo chí bất khuất trước vấn nạn khủng bố

19/06/2015 15:21 GMT+7

(TNO) Từ vụ tổ chức khủng bố al-Qaeda chặt đầu nhà báo Mỹ Daniel Pearl năm 2002 đến trường hợp James Foley năm 2014 và cuộc thảm sát ở tòa soạn tạp chí Charlie Hebdo ở Pháp, chưa bao giờ nhà báo chịu đầu hàng trước hiểm nguy.

(TNO) Từ vụ tổ chức khủng bố al-Qaeda chặt đầu nhà báo Mỹ Daniel Pearl năm 2002 đến trường hợp James Foley năm 2014 và cuộc thảm sát ở tòa soạn tạp chí Charlie Hebdo ở Pháp, chưa bao giờ các nhà báo chịu đầu hàng trước hiểm nguy.

Ngày 7.1.2015, dư luận thế giới chấn động trước vụ thảm sát tại tòa soạn tạp chí Charlie Hebdo tại Paris (Pháp). Vụ việc làm 12 người thiệt mạng và kéo theo hàng loạt tranh cãi về tự do ngôn luận và tự do tôn giáo. Với những người quan tâm đến lĩnh vực báo chí, đây là hành động tấn công ngông cuồng, kinh khủng nhất, đẩy xung đột giữa báo chí và các phần tử cực đoan lên cao nhất.
Nỗi ám ảnh Daniel Pearl
Mối hiểm họa mang tên khủng bố với người làm báo bắt nguồn từ cái chết thương tâm của nhà báo Mỹ Daniel Pearl năm 2002, khi lần đầu tiên tổ chức al-Qaeda tung đoạn video hành quyết nhà báo này. Vụ việc gây rúng động truyền thông quốc tế, và trở thành một "chiến thuật lan rộng", được sử dụng như công cụ của các tổ chức khủng bố mỗi khi muốn đưa ra yêu sách hoặc khiêu khích phương Tây.
Cái chết của nhà báo Daniel Pearl khởi nguồn cho một cuộc xung đột đáng sợ giữa nhà báo và khủng bố - Ảnh: Reuters
"Vụ sát hại Pearl và ghi hình cảnh hành quyết trở thành chất xúc tác cho các phần tử cực đoan Hồi giáo thực hiện phương pháp này", tờ The Washington Post (Mỹ) trong bài viết ngày 20.8.2014 dẫn ý kiến của tác giả Timothy R. Furnish viết cho tạp chí Middle East Quarterly năm 2005.
Sau al-Qaeda, tổ chức Nhà nước Hồi giáo (IS) nổi lên là nhóm Hồi giáo cực đoan gây ám ảnh nhất toàn cầu. Trong 2 năm từ 2014 đến 2015, IS đã giết rất nhiều nhà báo, trong đó có những vụ chặt đầu gây sốc như trường hợp nhà báo Mỹ James Foley, Steven Sotloff hay nhà báo Nhật Bản Kenji Goto...
Trong lần tấn công tòa soạn Charlie Hebdo, các phần tử thề trung thành với IS lấy lý do tạp chí trào phúng tại Pháp đã xúc phạm nhà tiên tri Mohammed, cũng như lên án các hành động được xem là tuyên truyền bất lợi cho đạo Hồi của báo chí phương Tây.
Nghề báo không lùi bước

Cơ quan Bảo vệ các nhà báo (CPJ - trụ sở tại New York, Mỹ) cuối năm 2014 cho biết ít nhất 60 nhà báo đã thiệt mạng trên toàn cầu trong năm 2014 trong lúc làm việc hoặc trong thời gian thực hiện công việc, theo AP.

Ông Kenji Goto (trái) biết mình sẽ gặp nguy hiểm nhưng vẫn dấn thân vào vùng đất do IS chiếm đóng - Ảnh: Reuters

Có khoảng 1/4 nhà báo làm nhiệm vụ quốc tế mất mạng trong số ấy và đó là "tỉ lệ cao bất thường", đặc biệt khi số trường hợp tử nạn chủ yếu tập trung ở những khu vực chiến sự hoặc có mặt các phần tử cực đoan. CPJ cũng chỉ ra rằng Syria là nơi nguy hiểm nhất dành cho nhà báo với 17 người thiệt mạng. Các nhà báo hiểu rõ những hiểm nguy rình rập tại Syria, nơi IS chiếm đóng, nhưng ý chí của họ hầu như không bị bào mòn.

Trường hợp nhà báo Nhật Bản Kenji Goto được xem là tấm gương điển hình cho việc bất chấp hiểm nguy của những người đi tìm sự thật. Ông Goto vào vùng nguy hiểm ở Syria để tìm người bạn Haruna Yukawa, trước lúc ra đi đã để lại lời nhắn cho đồng nghiệp về nguy cơ ông không bao giờ quay lại.
Nhà báo tự do người Mỹ James Foley, người bị IS hành quyết và tung đoạn video lên internet hồi tháng 8.2014, từng nói rằng: "(Nghề báo) không đáng để bạn hy sinh cuộc đời. Nó không đáng để bạn phải thấy bố mẹ, anh chị khóc thương. Không đáng một chút nào". Thế nhưng, mặt khác Foley thừa nhận rằng nghề báo đối với anh là "một lý tưởng lãng mạn", và "thật khó để một nhà báo có thể kết luận về vài sự thật, thế là cuối cùng bạn thấy mình bị kéo ra đầu chiến tuyến".
Trang tin The Globe and Mail (Canada) ngày 31.1 dẫn lời ông Anthony Feinstein, một giáo sư về tâm thần học tại Đại học Toronto (Canada), cho biết việc tác nghiệp tại các vùng đất nguy hiểm như Syria tạo gánh nặng tâm lý cực lớn cho các nhà báo. Tuy nhiên, đó lại như một "liều thuốc tinh thần" cho họ, và cả khi họ gặp nạn, điều này cũng chỉ càng khiến các đồng nghiệp của họ trở nên sắt đá hơn.
Sự kết hợp giữa các loại cảm xúc sợ hãi, nguy hiểm và niềm hạnh phúc với bài báo của mình chính là động lực để các nhà báo không lùi bước, bất kể IS hay các tổ chức khủng bố có mạnh tay thế nào, ông Anthony Feinstein nhận xét.
Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.