100 năm ngày sinh tư lệnh huyền thoại Đồng Sỹ Nguyên (1.3.1923 - 1.3.2023): Tạc vào đá núi Trường Sơn

Nguyễn Phúc
Nguyễn Phúc
25/02/2023 07:15 GMT+7

Tên tuổi trung tướng Đồng Sỹ Nguyên như khắc tạc vào đá núi Trường Sơn. Trong chiến tranh, ông là tư lệnh của những người lính mở đường Trường Sơn, tiếp tế cho miền Nam.

Chiến tranh chưa kết thúc, ông đã nghĩ ngay đến việc xây dựng nghĩa trang để đưa đồng đội về nằm bên nhau. Hòa bình, ông làm đặc phái viên của Chính phủ để mở đường Hồ Chí Minh. Huyền thoại tiếp nối huyền thoại.

Tạc vào đá núi Trường Sơn - Ảnh 1.

Trung tướng Đồng Sỹ Nguyên (giữa) đi kiểm tra tuyến đường sắt Bắc - Nam sau ngày đất nước thống nhất

BẢO TÀNG QUẢNG BÌNH

VẸN TÌNH ĐỒNG ĐỘI

Đi qua hàng trăm trận chiến, chứng kiến bao mất mát, trung tướng Đồng Sỹ Nguyên hiểu hơn ai hết về nỗi khát khao cháy bỏng của người mẹ, người cha, của các gia đình đã hiến dâng những người con thân yêu cho Tổ quốc. Ấy là chăm lo mộ phần cho người đã khuất.

Từ tháng 3.1973, mệnh lệnh của trung tướng Đồng Sỹ Nguyên đã được triển khai trên toàn lực lượng Trường Sơn. Các đơn vị từ cấp trung đoàn, binh trạm, sư đoàn trên khắp chiến trường Trường Sơn trải dài 7 tỉnh Nam Lào đều tổ chức lực lượng làm nhiệm vụ quy tập hài cốt liệt sĩ mang về đất mẹ. Nhiệm vụ chi viện chiến trường thời kỳ này là vô cùng to lớn và khẩn trương. Cắt lực lượng và phương tiện để làm nhiệm vụ đặc biệt nói trên là một khó khăn rất lớn, nhưng việc nghĩa thì không thể không làm. Tư lệnh Đồng Sỹ Nguyên chỉ thị: "Vì nghĩa cả, vì truyền thống, đạo lý dân tộc, bằng mọi giá Bộ đội Trường Sơn vẫn phải làm cho bằng được".

TRỌN MỘT CON ĐƯỜNG

Trong hồi ký Trọn một con đường, khi nhắc về quê hương thôn Trung, xã Quảng Trung, H.Quảng Trạch (nay là TX.Ba Đồn, Quảng Bình), trung tướng Đồng Sỹ Nguyên viết: "Quê hương là đỉnh núi, dòng sông... với tôi điều đó thật thiêng liêng, nguồn sức mạnh lớn lao giúp tôi vượt qua bao khó khăn, thử thách cam go suốt cuộc đời hoạt động cách mạng".

Về người mẹ tảo tần của mình, bà Đặng Thị Cấp, trung tướng Đồng Sỹ Nguyên dành những dòng rất đỗi trìu mến: "Tôi luôn thấy ở người mẹ kính yêu của mình kết tinh gần như hết thảy các đức tính, phẩm chất tuyệt vời của người phụ nữ VN. Đoan trang, hồn hậu, tinh tế, thánh thiện… Suốt đời làm lụng, hy sinh vì công danh thành đạt của chồng, sự trưởng thành khôn lớn của các con. Mẹ luôn là niềm tin, là điểm tựa như bàn thạch của mỗi chúng tôi".

Vị tư lệnh huyền thoại này cũng trải qua nhiều mất mát trong chiến tranh. Người con thứ tư của ông, Nguyễn Tiến Quân, đã giấu gia đình thi tuyển vào quân đội, đứng trong hàng ngũ Quân đoàn 1 tiến về Sài Gòn năm 1975 trong chiến dịch Hồ Chí Minh. Năm 1978, sĩ quan pháo binh Nguyễn Tiến Quân xin quay về đơn vị chiến đấu ở biên giới phía bắc.

Biết chuyện, tướng Đồng Sỹ Nguyên không cấm cản dù với một câu nói của mình, ông có thể đưa con lui về phía sau. Tết năm 1979, tướng Đồng Sỹ Nguyên có lên biên giới phía bắc thăm con và đó là lần cuối cùng ông gặp con trai. Bởi chỉ 10 ngày sau đó, sĩ quan pháo binh Nguyễn Tiến Quân hy sinh khi chiến tranh biên giới phía bắc nổ ra.

Từ giữa năm 1974, trung tướng Đồng Sỹ Nguyên cùng Bộ Tư lệnh Bộ đội Trường Sơn tranh thủ mọi nơi, mọi lúc tìm chọn vị trí xây dựng nghĩa trang. Các địa điểm ban đầu gồm Đường 20 - Quyết Thắng (Quảng Bình), khu vực Đầu Mầu, Đường 9 thuộc H.Cam Lộ và Bến Tắt, H.Gio Linh (Quảng Trị). Sau khi trực tiếp xuyên rừng, lội bộ cùng trinh sát công binh tìm địa điểm, Tư lệnh Đồng Sỹ Nguyên quyết định chốt đồi Bến Tắt.

Trong cuốn hồi ký Trọn một con đường, trung tướng Đồng Sỹ Nguyên từng chia sẻ: "Bến Tắt ngoài ý nghĩa là điểm lưu giữ dấu ấn về buổi phôi thai đường Trường Sơn, gần trục giao thông Bắc - Nam xuyên Việt, chúng tôi còn muốn những đồng đội, đồng chí yêu quý của mình được yên nghỉ bên dòng Bến Hải, ranh giới chia cắt hai miền Bắc - Nam".

Ngày 24.2.1975, Nghĩa trang liệt sĩ quốc gia Trường Sơn được Bộ Tư lệnh Trường Sơn khởi công xây dựng và hoàn thành ngày 10.4.1977, làm nơi an nghỉ của hơn 1 vạn anh hùng liệt sĩ đường Trường Sơn huyền thoại. Đây là công trình đền ơn đáp nghĩa trang trọng, có ý nghĩa lớn thể hiện lòng thương nhớ những người đã không tiếc máu xương cho sự nghiệp thống nhất non sông.

Ông Lê Minh Tâm, 80 tuổi, nguyên cán bộ Ban Tổ chức chính quyền tỉnh Bình Trị Thiên (sau này tách ra 3 tỉnh: Thừa Thiên-Huế, Quảng Trị, Quảng Bình), là một trong những người được UBND tỉnh Bình Trị Thiên giao nhiệm vụ tiếp nhận, quản lý Nghĩa trang liệt sĩ quốc gia Trường Sơn từ Cục Kinh tế, Bộ Quốc phòng chuyển giao cho tỉnh năm 1982. Ông khẳng định: "Để có một địa chỉ tâm linh như Nghĩa trang quốc gia Trường Sơn bây giờ, vai trò lớn nhất thuộc về trung tướng Đồng Sỹ Nguyên".

Trong những anh hùng liệt sĩ nằm lại Trường Sơn, có một người được xem là tri kỷ của trung tướng Đồng Sỹ Nguyên. Đó là Chính ủy Bộ đội Trường Sơn Đặng Tính (hy sinh ngày 3.4.1973). Họ là bạn chiến đấu từ thời chống Pháp, tiếp tục sát cánh cùng nhau ở Trường Sơn sau khi Tư lệnh Đồng Sỹ Nguyên đề xuất với Quân ủy Trung ương chọn ông Đặng Tính là Chính ủy Bộ đội Trường Sơn.

Tạc vào đá núi Trường Sơn - Ảnh 3.

Những bạn trẻ tri ân anh hùng liệt sĩ tại Nghĩa trang liệt sĩ quốc gia Trường Sơn

NGUYỄN PHÚC

SAU KHI NGHỈ HƯU VẪN "RA TRẬN"

Sau ngày đất nước thống nhất, non sông thu về một mối, trung tướng Đồng Sỹ Nguyên tiếp tục được tín nhiệm, phân công giữ nhiều trọng trách: Ủy viên Bộ Chính trị, Phó chủ tịch Hội đồng Bộ trưởng, Thứ trưởng Bộ Quốc phòng, Bộ trưởng Bộ GTVT, Bộ trưởng Bộ Xây dựng… Năm 1991, ông thôi giữ chức Ủy viên Bộ Chính trị, Phó chủ tịch Hội đồng Bộ trưởng và được cử làm đặc phái viên Chính phủ thực hiện Chương trình 327 "Trồng, bảo vệ rừng phòng hộ", tham gia chỉ đạo xây dựng đường Hồ Chí Minh.

Trung tướng Đồng Sỹ Nguyên từng nói: "Đất nước có chiến tranh, tôi quyết tâm phục vụ quân đội và thật vinh dự tự hào làm người lính của Bác Hồ, của nhân dân. Nhưng từ trong chiến tranh, tôi đã hằng tâm niệm và nung nấu ý định khi đất nước thanh bình sẽ xếp súng gươm, xin chuyển ngành ra làm kinh tế".

Thực tế, trong giai đoạn đầu đất nước tiến hành công cuộc đổi mới, trung tướng Đồng Sỹ Nguyên đã cùng với tập thể lãnh đạo Đảng, Nhà nước có nhiều quyết sách quan trọng, góp phần đưa đất nước vượt qua khó khăn, phát triển kinh tế - xã hội, giữ vững ổn định quốc phòng - an ninh.

Tạc vào đá núi Trường Sơn - Ảnh 4.

Trung tướng Đồng Sỹ Nguyên trong một lần thăm lại Nghĩa trang liệt sĩ quốc gia Trường Sơn

T.L

Nhưng có lẽ dấu ấn lớn nhất của của trung tướng Đồng Sỹ Nguyên chính là "ra trận" lần nữa ở Trường Sơn khi đứng trong hàng ngũ cố vấn cho việc xây dựng tuyến đường Hồ Chí Minh ngày nay. Trước đó, ông từng viết trong hồi ký: "Là một trong những người trực tiếp tổ chức xây dựng hệ thống đường - cầu Trường Sơn trong những năm đánh Mỹ, khi kết thúc chiến tranh, trong tôi luôn nung nấu ước vọng thiết tha đường Trường Sơn được hiện đại hóa để phát triển kinh tế - xã hội - văn hóa, củng cố quốc phòng - an ninh của đất nước".

Cơ hội đến với trung tướng Đồng Sỹ Nguyên khi dự án đường Trường Sơn được Chính phủ phê duyệt. Vậy nên dù đã nghỉ hưu, tuổi cao, sức yếu, ông vẫn sẵn sàng nhận nhiệm vụ "ra trận" một lần nữa, làm đặc phái viên của Chính phủ, đôn đốc việc mở đường. Trung tướng Đồng Sỹ Nguyên cũng là người đầu tiên đề xuất đổi tên công trình xa lộ Bắc - Nam thành đường Hồ Chí Minh.

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.