Những lão nông 'lấy lòng đo lòng'

Đăng Huỳnh
(TP.Cần Thơ)
18/05/2024 06:55 GMT+7

"Nhóm này không có tên, cũng không giới hạn người tham gia. Ai rảnh thì tham gia. Ai khoái thì tham gia. Ai làm được gì thì xắn tay làm. Miễn sao mình làm chuyện có ích cho bà con", lão nông Tư Tài, 75 tuổi, giọng hào sảng kể cho chúng tôi nghe về nhóm thiện nguyện của ông.

Đi theo tiếng gọi của tình thương

Sáng chủ nhật, một hộ dân ở đường Nguyễn Viết Xuân, P.Thới An Đông, Q.Bình Thủy, TP.Cần Thơ, gọi điện kêu có đám cây tạp sau vườn nhà. Vậy là các lão nông hẹn nhau đi cưa cây. Những cây dừa, xoài, mù u… cao lớn nhanh chóng được các lão nông đốn hạ, chia khúc và vác ra điểm tập kết. Công việc nặng nhọc, lại bị kiến vàng cắn, nhưng các chú ai cũng vui vẻ, hào hứng làm việc.

Từ phải qua: Ông Phạm Văn Dư (Phó chủ tịch Hội Chữ thập đỏ Q.Bình Thủy), ông Tư Tài và ông Sáu Ấm, đến thăm nhà của con gái ông Sáu Ấm. Ngôi nhà được nhóm thiện nguyện của các lão nông xây tặng

Từ phải qua: Ông Phạm Văn Dư (Phó chủ tịch Hội Chữ thập đỏ Q.Bình Thủy), ông Tư Tài và ông Sáu Ấm, đến thăm nhà của con gái ông Sáu Ấm. Ngôi nhà được nhóm thiện nguyện của các lão nông xây tặng

ĐĂNG HUỲNH

Chú Tư Tài nói, vườn này không có cây tận dụng làm cột nhà được, chỉ có thể cắt khúc bán củi. Bà con cho gì thì nhóm nhận đó, cốt sao có thêm kinh phí để làm từ thiện. Hỏi ra mới biết, nhóm thường đi tìm mua cây lấy gỗ để đốn, cây nào tốt thì dùng cất nhà, cây nào không đạt chuẩn thì cưa củi, bán. Số tiền bán được dùng làm kinh phí xây nhà thiện nguyện, có bộ khung nhà thì dựng mái ấm cho những mảnh đời cơ cực.

Anh Nguyễn Hữu Thừa, 44 tuổi, thành viên trẻ nhất của nhóm, cho biết thêm: "Nhiều người biết đến công việc thiện nguyện, khi có cây cần đốn thì kêu cho, hoặc bán rẻ. Ngoài ra, để có kinh phí hoạt động, nhóm còn đi làm thuê các công việc như sơn, sửa nhà, làm hàng rào, tráng sân, hàn sắt, thợ mộc… Nói chung là bách hóa tổng hợp. Ai mướn gì làm đó, miễn là có tiền để làm từ thiện".

Nhưng cũng có lúc nhóm không có đủ tiền, hoặc địa phương, gia chủ đã kêu gọi được nhà hảo tâm hỗ trợ kinh phí xây nhà, thì nhóm sẵn lòng ra công cất nhà miễn phí. Nói như cách của các lão nông là "kiểu nào cũng được, miễn giúp đỡ được bà con là tốt".

Cũng nhờ vậy mà suốt khoảng 15 năm hoạt động, nhóm đã xây tặng hoặc hỗ trợ công dựng cho hơn 1.000 căn nhà với tên gọi "tình thương", kinh phí lên đến hàng tỉ đồng. Những căn nhà rải khắp miền châu thổ, từ Cần Thơ đến An Giang, Kiên Giang, Cà Mau, Bến Tre… Ai cần thì nhóm có mặt, các chú đi theo tiếng gọi của tình thương…

Hành trình thầm lặng

Nhóm thiện nguyện này tập hợp các lão nông ở các phường của Q.Bình Thủy, TP.Cần Thơ, nhưng nhiều nhất là ở P.Thới An Đông. Trưởng nhóm là chú Nguyễn Văn Chanh, tên thường gọi Ba Chanh, 68 tuổi; và chú Tư Tài là phó nhóm, dù 75 tuổi nhưng vẫn xông xáo với việc thiện nguyện. Các thành viên khác cũng đều đã U.60, U.70, U.80, chỉ có anh Thừa, con chú Ba Chanh, là thành viên trẻ nhất nhóm.

Những lão nông 'lấy lòng đo lòng'- Ảnh 2.

Ông Tư Tài, 75 tuổi, vẫn xông xáo với việc thiện nguyện

Cách đây hơn 15 năm, trên địa bàn P.Thới An Đông và toàn Q.Bình Thủy có nhiều nhóm hoạt động thiện nguyện. Tấm lòng kết nối tấm lòng, hảo tâm hội ngộ hảo tâm, các chú cùng hội tụ về một nhóm, phát tâm làm việc thiện nguyện từ đó đến nay. Hiện tại, có khoảng 15 người là thành viên cốt cán, nhưng khi có hoạt động, số lượng người tham gia lên đến vài chục người. Ngoài xây cất nhà, tặng nhà tình thương hỗ trợ người khó khăn, nhóm còn hỗ trợ công lao động khi địa phương thực hiện các công trình dân sinh như bắc cầu, làm lộ…

Điều hay của nhóm chính là các chú không kêu gọi hỗ trợ, không quyên góp từ bất cứ ai. Họ tự tạo nguồn vốn từ việc đốn cây, bán củi, làm thuê công nhật… Chú Tư Tài kể nhiều người có lòng tốt muốn trao tiền để nhóm dựng nhà tặng bà con nghèo, nhóm từ chối nhận tiền mà đề nghị họ trực tiếp mua vật tư, nhóm sẵn lòng hỗ trợ công lao động. "Mình toàn đàn ông, với lại nông dân nữa, các chú ngại giữ tiền bạc, có chi sơ suất lại mang tiếng. Thôi, mình cứ ra công, làm bằng cái tâm", chú Tư Tài cho biết.

Chú Nguyễn Văn Ấm, tên thường gọi Sáu Ấm, thành viên của nhóm, dẫn chúng tôi về nhà con gái ông. Đây là căn nhà do nhóm dựng tặng cách đây vài năm, do nhận thấy con gái ông Sáu khó khăn về nhà ở. Có nhà cửa lành lặn, con gái ông Sáu yên tâm gửi hai cháu ngoại cho ông, lên thành phố đi làm mưu sinh. Ông Sáu Ấm chia sẻ: "Từ chính trường hợp của con chú, chú lại càng thấy ý nghĩa việc làm của nhóm thiện nguyện. Chú ráng cùng các anh em làm hoài, chừng nào hết sức thì thôi".

Theo chỉ dẫn của nhóm, chúng tôi đến khu vực 1, P.Bình Thủy, Q.Bình Thủy, tìm nhà chú Nguyễn Bé Tư, vừa được Hội Chữ thập đỏ Q.Bình Thủy vận động nhà hảo tâm tặng kinh phí xây cất. Nhóm thiện nguyện của các chú đã đảm đương phần công xây nhà. Ngôi nhà khang trang, chỉn chu từng đường nét, cho thấy sự cẩn thận và tâm huyết của những người thợ, dù làm việc không công.

Chú Bé Tư dù đã ở nhà mới hơn 1 tháng nhưng vẫn chưa thôi niềm vui, khen lấy khen để sự nhiệt thành của nhóm thợ. Lại nhớ lời chú Tư Tài chia sẻ, thật đúng: "Tiêu chí cất nhà của nhóm là dựng nhà tặng bà con cũng phải như dựng nhà cho mình ở". Nghĩ vậy, từng cây cột, cây kèo đến từng viên gạch, đường tô, đều được làm nên bằng cái tình, cái nghĩa.

Chuyện về các thành viên trong nhóm khiến chúng tôi càng cảm phục. Chú Tư Tài kể, hồi xưa trong nhóm này, ai cũng nghèo. Như chú, lúc mới ra riêng, ở nhà lá lụp xụp, đi làm thuê kiếm ăn từng bữa. Vậy nên khi gia đình có của ăn của để, chú thấu hiểu nỗi khổ của người nghèo, người không có căn nhà lành lặn. Nghĩ vậy mà chú làm hoài không thấy mệt, dù đã ở tuổi xưa nay hiếm.

Những lão nông 'lấy lòng đo lòng'- Ảnh 3.

15 năm qua, nhóm đã xây tặng hoặc hỗ trợ công dựng cho hơn 1.000 căn nhà

Chú Lê Văn Tư, 71 tuổi, cũng là thành viên của nhóm, từng trải qua đau bệnh thập tử nhất sinh. "Bác sĩ kêu chở về rồi đó chớ, may sao chú còn sống", chú kể. Giữa lằn ranh sinh tử, chú Tư hiểu hơn hết giá trị của cuộc sống, của sự quan tâm, sẻ chia. Sau khi khỏe lại, chú Tư gắn bó với nhóm, xông xáo từ đốn cây, vác củi đến làm thợ mộc, thợ hồ.

Với chú Huỳnh Thanh Tùng, công việc thường ngày là làm thuê công nhật, ai thuê gì làm đó. Xắn đất thùng, dọn cỏ, lên liếp, sửa vườn, vét mương… chú có thể làm được hết, vì kế sinh nhai. Hoàn cảnh là vậy nhưng hễ nhóm có đi đốn cây, xây nhà thiện nguyện là chú lại tham gia. Anh Thừa là công nhân một công ty ở Khu công nghiệp Trà Nóc, vẫn tranh thủ thời gian tham gia làm thiện nguyện. Nhiều lúc nhóm có việc làm gấp, cần đông người, anh sẵn sàng xin nghỉ phép để cùng chung tay.

Và còn những câu chuyện cảm động khác của các thành viên, người làm nông, người làm thuê, người buôn gánh bán bưng, nhưng tấm lòng thì vẹn tròn với việc có ích cho đời. Điểm chung của các thành viên là đều xuất phát từ hoàn cảnh khó khăn, thiếu trước hụt sau, nên họ đồng cảm với các cảnh đời. Hiểu lòng nên lấy lòng đo lòng, các chú giúp bà con như người thân của mình, như chuyện của nhà mình, của chính mình.

Ông Phạm Văn Dư, Phó chủ tịch Hội Chữ thập đỏ Q.Bình Thủy, cho biết: Nhóm thiện nguyện của những lão nông này hoạt động rất hiệu quả, cùng địa phương thực hiện công tác an sinh xã hội. Sắp tới, Hội chọn nhóm để ra mắt mô hình Chữ thập đỏ nhằm phát huy hiệu quả hoạt động.

Không tên nhóm, không bảng hiệu, không dùng mạng xã hội, việc làm của những lão nông đất Cần Thơ là một hành trình nhân ái lặng thầm. Căn cốt là điều nhân ở lại, điều thiện lành được gieo duyên và những mảnh đời khốn khó được san sẻ khi họ lấy lòng đo lòng.

Những lão nông 'lấy lòng đo lòng'- Ảnh 4.

 

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.