Dự thảo luật Điện lực: Điện tự sản, tự tiêu hòa lưới vẫn có giá 0 đồng

29/03/2024 11:12 GMT+7

Trong dự thảo luật Điện lực (sửa đổi) lần 2, Bộ Công thương khẳng định ưu tiên phát triển các dự án năng lượng tái tạo nhưng giữ nguyên quan điểm đối với các dự án năng lượng tái tạo tự sản, tự tiêu nếu dư thừa phát vào lưới điện quốc gia thì được Nhà nước ghi nhận với giá 0 đồng.

Bộ Công thương đã hoàn thành dự thảo luật Điện lực (sửa đổi) lần 2. Trong ngày 28.3, Bộ trưởng Bộ Công thương Nguyễn Hồng Diên đã ký văn bản gửi các bộ, ngành, doanh nghiệp... để lấy ý kiến góp ý cho dự thảo này.

Dự thảo luật Điện lực: Điện tự sản, tự tiêu hòa lưới vẫn có giá 0 đồng- Ảnh 1.

Điện tự sản, tự tiêu vẫn có giá 0 đồng trong dự thảo luật Điện lực do Bộ Công thương đang xây dựng

T.N

Đáng lưu ý, trong dự thảo lần này, Bộ Công thương đưa vùng đồng bằng sông Hồng, vùng Đông Nam bộ là khu vực được phép phát triển điện năng lượng tái tạo tự sản, tự tiêu.

Các dự án điện năng lượng tái tạo tự sản, tự tiêu có công suất thuộc quy hoạch phát triển điện lực quốc gia hoặc kế hoạch triển khai quy hoạch phát triển điện lực quốc gia và được liên kết với hệ thống điện quốc gia, được quyền phát hoặc không phát sản lượng điện dư nếu có.

Đáng lưu ý, dự thảo luật Điện lực (sửa đổi) lần 2 vẫn giữ quy định trường hợp tổ chức, cá nhân lựa chọn phát sản lượng điện dư vào hệ thống điện quốc gia thì Nhà nước ghi nhận sản lượng điện đó với giá 0 đồng.

Đề xuất thay đổi biểu giá bán lẻ điện 

Bộ Công thương cũng khuyến khích các tổ chức, cá nhân kết hợp điện năng lượng tái tạo tự sản, tự tiêu với đầu tư, lắp đặt, vận hành hệ thống lưu trữ điện để chủ động trong hoạt động sản xuất, kinh doanh và bảo đảm ổn định hệ thống điện.

Điện tự sản, tự tiêu phát lên lưới với giá 0 đồng cũng là một vấn đề được nhiều chuyên gia, doanh nghiệp quan tâm trong thời gian qua và cho rằng đây là chính sách đi ngược với chủ trương khuyến khích phát triển năng lượng tái tạo.

Theo các chuyên gia, người dân và các doanh nghiệp hiện nay có nhu cầu rất lớn lắp đặt điện mặt trời để chủ động một phần năng lượng, đặc biệt là chuyển đổi sử dụng năng lượng xanh, năng lượng sạch trong sản xuất.

Nhưng khi họ có sản lượng dư thừa phát vào lưới quốc gia với giá 0 đồng thì sẽ không khuyến khích được nguồn lực đầu tư trong tham gia khai thác, phát triển các nguồn năng lượng sạch.

Nhiều chuyên gia cũng đề xuất cần sửa đổi những quy định, nghiên cứu cơ chế cho phép Tập đoàn Điện lực Việt Nam (EVN) có thể đàm phán mua lượng điện dư thừa này với một mức giá thấp.

Trước đó, trong tháng 12.2023, giải thích về quan điểm điện tự sản, tự tiêu giá 0 đồng, đại diện Cục Điện lực và Năng lượng tái tạo (Bộ Công thương) bày tỏ quan ngại, nếu mua sản lượng điện này sẽ mất cơ cấu tối ưu của cả hệ thống điện, có thể ảnh hưởng đến an ninh năng lượng. Trong trường hợp lắp đặt ồ ạt, sản lượng điện này dư thừa nhiều, đẩy hết lên hệ thống thì lưới không chịu nổi. 

TS Nguyễn Huy Hoạch (Hiệp hội Năng lượng Việt Nam) cho rằng, chính sách là khuyến khích tự sản, tự tiêu nhưng cần thúc đẩy sớm cơ chế mua - bán điện trực tiếp qua đường dây tư nhân riêng để kết nối trực tiếp với nhau, nhằm ưu tiên triển khai dự án điện tự sản, tự tiêu. Với quy mô điện mặt trời mái nhà đấu nối trực tiếp vào hệ thống hạ áp, công suất 3 - 5 kV hầu như không ảnh hưởng đến lưới điện. 

TS Nguyễn Huy Hoạch đề xuất, sản lượng điện phát lên lưới nếu không trả được bằng giá ưu đãi thì cũng bằng 40 - 50% giá mua để các chủ đầu tư có thể hoàn vốn sớm hơn, không thể bỏ hoang phí, không trả đồng nào là không sòng phẳng.

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.