img
Đằng sau những chuyến thăm VN của các tỉ phú công nghệ- Ảnh 1.

Đến lúc này, có lẽ các tín đồ nhà táo vẫn chưa hết ngất ngây với chuyến thăm ngắn ngày của tỉ phú Tim Cook, Tổng giám đốc (CEO) Tập đoàn Apple - doanh nghiệp có vốn hóa hơn 2.600 tỉ USD, đến VN. Các hãng tin nước ngoài nhấn mạnh chuyến đi của vị tỉ phú này diễn ra trong bối cảnh số lượng xuất xưởng của điện thoại thông minh (smartphone) "nhà táo" giảm khoảng 10% trong quý 1/2024 bởi sự cạnh tranh ngày càng gay gắt của các nhà sản xuất điện thoại thông minh sử dụng hệ điều hành Android. Nên Apple chỉ còn chiếm khoảng 17,3% thị phần giữ vị trí thứ hai, đứng sau Samsung với 20,8% thị phần.

Trong thông báo phát đi liên quan chuyến đi trên của CEO Tim Cook, Apple cho biết sẽ tăng cường khoản chi cho nhà cung cấp tại VN, cùng với tiến triển mới trong sáng kiến hỗ trợ nước sạch cho các trường học địa phương. Công ty đã chi gần 400.000 tỉ đồng kể từ năm 2019 thông qua chuỗi cung ứng địa phương và đã tăng hơn gấp đôi mức chi hằng năm cho VN trong cùng kỳ.

Trước đó, đầu tháng 3, tỉ phú Bill Gates cũng bay đến Đà Nẵng trên chuyên cơ cá nhân, một hành trình rất riêng tư song khiến truyền thông trong nước và thế giới "dậy sóng". Bởi đây là lần thứ 3 Bill Gates trở lại VN sau gần hai thập niên, lần đầu tiên vào năm 2006 để thực hiện các hoạt động kinh doanh liên quan lĩnh vực công nghệ thông tin. Dù chuyến đi riêng tư, không có cuộc gặp chính thức với chính quyền địa phương hay với giới kinh doanh, song việc tỉ phú Bill Gates đã dành trọn 5 ngày ở Đà Nẵng và Hội An cũng khiến nhiều hãng truyền thông trong và ngoài nước tốn không ít giấy mực. Trang BNN Breaking nhận định sự trở lại của Bill Gates sau 18 năm là "minh chứng cho sức hấp dẫn ngày càng tăng của VN".

Tỉ phú Jensen Huang - Chủ tịch kiêm CEO Nvidia đến Việt Nam cuối năm 2023

Tỉ phú Jensen Huang - Chủ tịch kiêm CEO Nvidia đến Việt Nam cuối năm 2023

Cuối năm 2023, tỉ phú Jensen Huang, CEO của tập đoàn chip có vốn hóa lớn nhất thế giới là NVIDIA, cũng có chuyến công tác đến VN được đánh giá quan trọng, mang tầm chiến lược. Dịp đó, vị tỉ phú công nghệ Huang đã có cuộc gặp với Thủ tướng Phạm Minh Chính liên quan lĩnh vực trí tuệ nhân tạo (AI), đặc biệt nguồn nhân lực của VN trong lĩnh vực này. Tỉ phú Jensen Huang khẳng định VN có tiềm năng và sự hấp dẫn cho việc phát triển trí tuệ nhân tạo và khẳng định sẽ hỗ trợ VN xây dựng phát triển ngành công nghiệp bán dẫn trong tương lai gần.

Đằng sau những chuyến thăm VN của các tỉ phú công nghệ- Ảnh 3.

Nhìn lại thì từ khi cái tên VN liên tục được xướng trên các kênh truyền thông quốc tế, các diễn đàn công nghệ về tiềm năng phát triển công nghệ bán dẫn, trữ lượng đất hiếm... đã thu hút ông chủ của nhiều tập đoàn công nghệ hàng đầu tới viếng thăm. Đơn cử như Chủ tịch Tập đoàn Samsung Lee Jae-yong đã tới VN đến nay 3 lần; CEO Meta (tập đoàn mẹ của Facebook) là Mark Zuckerberg cũng đến VN cùng nhóm bạn vào năm 2011; CEO Sundar Pichai của Tập đoàn Alphabet (công ty mẹ của Google) cũng đã đến VN vào năm 2015 nhằm hỗ trợ thúc đẩy phát triển kinh tế số…

Đằng sau những chuyến thăm VN của các tỉ phú công nghệ- Ảnh 4.

Đằng sau những chuyến thăm VN của các tỉ phú công nghệ- Ảnh 5.

Dù đơn thuần đi chơi hay làm việc, đằng sau chuyến thăm của các ông lớn công nghệ là gì thì luôn là vấn đề được quan tâm, kỳ vọng.

Đơn cử như sự có mặt chớp nhoáng của Tim Cook hồi tháng 4 vừa rồi, PGS-TS Nguyễn Thường Lạng nhận xét tuy chưa có cam kết nào được đưa ra trong chuyến đi ngắn ngủi của CEO Apple, nhưng điều không thể phủ nhận là VN đang ngày càng trở nên quan trọng hơn trong chuỗi cung ứng toàn cầu của nhà táo.

Ông Tim Cook dạo phố Hà Nội

Ông Tim Cook dạo phố Hà Nội

Trong thực tế, chưa có nhà máy, nhưng Apple đã chi hơn 16 tỉ USD hỗ trợ 150 nhà cung cấp tại VN. Đây là những nhà sản xuất trong chuỗi cung ứng của hãng này và phần lớn nằm trong chiến lược mở rộng chuỗi cung ứng, giảm phụ thuộc vào một thị trường lớn của hãng công nghệ này từ vài năm qua. Chẳng hạn, cuối năm ngoái, có thông tin Apple hợp tác với BYD chuyển nguồn lực phát triển sản phẩm iPad sang VN. BYD đã đầu tư tại VN từ năm 2021 và cũng trong năm ngoái, vốn đầu tư của họ đã tăng từ 269 triệu USD lên 413 triệu USD tại nhà máy ở Phú Thọ.

"Khi các đại gia công nghệ vào VN, Apple dường như rất ít có sự quan tâm. Lý do tại thời điểm đó, hệ thống cung ứng của hãng này rất mạnh qua các đối tác sản xuất thiết bị gốc lớn ở thị trường Ấn Độ và Trung Quốc. Tuy nhiên, sau thương chiến Mỹ - Trung, đặc biệt khủng hoảng nguồn cung trong đại dịch Covid-19, Apple đã có sự thay đổi rõ trong hỗ trợ nhà sản xuất, chuyển dịch chuỗi sản xuất sang các thị trường khác, trong đó có VN. Thế nên, trong thời gian qua, các nhà sản xuất lớn cung cấp thiết bị cho Apple đã liên tục đầu tư mới, mở rộng tại VN như Foxconn, Pegatron, hay Goertek, Luxshare… Theo tôi, chưa đặt nhà máy tại VN, nhưng hãng này xác định rõ tầm quan trọng của VN trong chuỗi cung ứng. Tùy vào chiến lược của các tập đoàn, nhiều chuyến đi của các tỉ phú công nghệ đã và đang mang lại kết quả ngoài mong đợi", ông Lạng chia sẻ.

Ông Tim Cook tại buổi gặp Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính

Ông Tim Cook tại buổi gặp Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính

Dẫn chứng việc quay lại tìm đất để xây nhà máy của Tập đoàn NVIDIA chưa đầy 4 tháng sau khi tỉ phú Jensen Huang đến VN, ông Lạng đánh giá, đây là một động thái quan trọng, được cho là sẽ góp phần quan trọng hiện thực hóa các cam kết hợp tác về AI và bán dẫn của NVIDIA được đưa ra hồi tháng 12.2023. Mục đích của NVIDIA lần này là khảo sát và làm việc với các địa phương, cơ quan quản lý nhằm chuẩn bị lập trung tâm nghiên cứu, phát triển và đào tạo về trí tuệ nhân tạo, lắp đặt hệ thống siêu máy tính, chuyển một phần việc sản xuất các bộ vi xử lý hình ảnh (GPU) cho các siêu máy tính sang VN. Theo Bộ KH-ĐT, cuộc gặp có tín hiệu đáng mừng trong củng cố việc xây dựng, phát triển hệ sinh thái bán dẫn, AI của VN. Dù NVIDIA chưa đưa ra những con số cụ thể, nhưng kỳ vọng là rất lớn.

Phó Chủ tịch Nvidia thăm trung tâm dữ liệu thế hệ mới và duy nhất tại Việt Nam của CMC DC Tân Thuận

Phó Chủ tịch Nvidia thăm trung tâm dữ liệu thế hệ mới và duy nhất tại Việt Nam của CMC DC Tân Thuận

Có thể nói, sự xuất hiện của NVIDIA, CEO của Apple… trong giai đoạn này là một "cú hích" quan trọng cho VN trong chiến lược thu hút đầu tư lĩnh vực bán dẫn, AI… Trong quá khứ, những chuyến đi của các tỉ phú công nghệ luôn hàm chứa chiến lược lớn. Chủ tịch Tập đoàn Samsung Lee Jae-yong đã có 3 lần đến VN thì đến nay, Samsung là nhà đầu tư nước ngoài lớn nhất tại VN với hơn 22 tỉ USD. Còn theo danh sách nhà cung ứng toàn cầu năm 2022 của Apple, hiện có 25 nhà cung ứng của tập đoàn này đang đặt nhà máy tại nhiều tỉnh thành VN.

Theo trang DigiTimes, VN có thể sản xuất 20% iPad và Apple Watch, 5% MacBook và 65% AirPods vào năm 2025. Trước đó, cuối năm 2022, tờ Nikkei Asia cũng cho rằng Apple sẽ lần đầu tiên chuyển dây chuyền sản xuất máy tính MacBook sang VN từ giữa năm 2023… và thế giới dự đoán, VN có thể trở thành "đại bản doanh của Apple", nhất là sau chuyến viếng thăm của Tim Cook vừa rồi.

Đằng sau những chuyến thăm VN của các tỉ phú công nghệ- Ảnh 9.

Đằng sau những chuyến thăm VN của các tỉ phú công nghệ- Ảnh 10.

Chuyên gia Hà Tôn Vinh đánh giá, cái tên VN "nóng" trên nhiều diễn đàn, truyền thông thế giới liên quan đến ngành công nghệ bán dẫn từ năm ngoái đến nay. Vấn đề càng "nóng" hơn khi các tỉ phú ngành công nghệ bay đến VN ngày càng dày đặc. Ông nói VN tuy đã được mở cửa từ hơn 30 năm trước, nhưng với ngành công nghiệp bán dẫn lại như một "nàng công chúa ngủ trong rừng". Họ đến VN ban đầu là thăm dò, tìm hiểu, nếu hấp dẫn thì đầu tư. Từ kinh nghiệm triển khai công tác đào tạo vi mạch, bán dẫn đang triển khai, muốn phát triển nhanh thì phải có cơ chế đột phá về đào tạo giảng viên, dùng chung cơ sở vật chất, trang thiết bị kỹ thuật và các phòng thí nghiệm liên quan, thu hút các chuyên gia nước ngoài…

"Với công nghệ bán dẫn, quan trọng nhất cho VN lúc này là đào tạo. Chính phủ rất quyết liệt với chính sách này và đã định hướng, phân vai, phân việc rất rõ ràng. Chúng ta có cơ hội rất lớn và thậm chí có thể đi nhanh hơn các nước đã phát triển tốt ngành này trước đây. Cách đây 40 năm, tôi đến Đài Loan, lúc đó họ mới làm được những sợi dây cáp, sản xuất USB… VN hiện tại hơn họ thời đó, nhưng với công nghiệp bán dẫn ta có nhiều lợi thế hơn nhiều. Đó là con người. Nên đào tạo nhân lực mới là điều kiện cần, điều kiện đủ là Chính phủ phải đi trước", ông phân tích.

Phó chủ tịch Nvidia thăm Trường Đại hoc Công nghệ thông tin TPHCM

Phó chủ tịch Nvidia thăm Trường Đại hoc Công nghệ thông tin TPHCM

"Cái gì đã là công nghệ thì mau biến đổi, 6 tháng đã lỗi mốt, vì vậy đầu tư ban đầu phải làm nhanh, quyết liệt từ chính phủ, chứ không nên chờ họ đến để cùng đào tạo, đào tạo trong doanh nghiệp quan trọng, nhưng đó là một lựa chọn khác. Nền tảng cho nhân sự ngành này vẫn phải từ Chính phủ hỗ trợ xây dựng. Singapore có hạ tầng trong ngành bán dẫn là con người phát triển rất nhanh và mạnh, có thể học họ cách đi nhanh này. Song song đó, VN có lợi thế hơn nhiều nước là đất hiếm. Chính phủ cũng phải tập trung đầu tư thăm dò, đo đạc, có dữ liệu chính xác rồi mới có nhà đầu tư khai thác, chế biến… Cơ hội bán dẫn đối với VN có thể "sờ thấy" được, vấn đề là phải quyết liệt hơn, làm nhanh hơn kẻo lại mất hoặc chậm so với các nước trong khu vực", GS Hà Tôn Vinh chia sẻ.

Nhắc lại nhận xét Thứ trưởng Ngoại giao phụ trách kinh tế, năng lượng và môi trường của Mỹ Jose W.Fernadez cho rằng VN có tiềm năng lớn trở thành cường quốc trong lĩnh vực chip bán dẫn, GS Nguyễn Mại, Chủ tịch Hội Doanh nghiệp nước ngoài, bổ sung VN có rất nhiều lợi thế trong hai lĩnh vực nóng nhất hiện nay là chip bán dẫn và năng lượng sạch. Lực lượng lao động rất trẻ, có trình độ là điểm cộng đầu tiên. Thứ hai, thị trường nội địa 100 triệu dân, xuất khẩu tốt, biết cách bán hàng ra nước ngoài là những lợi thế có thể giúp nhiều nước đạt được mục tiêu đa dạng hóa chuỗi cung ứng. Đó là lý do đã có 15 công ty đến từ Mỹ sẵn sàng đầu tư tới 8 tỉ USD vào chất bán dẫn tại VN. Mỹ cũng đã đề cập mang tầm chiến lược với VN về đào tạo nguồn nhân lực chất lượng cao, công nghệ khai thác đất hiếm mà VN chưa có.

Nvidia ký kết hợp tác với FPT

Nvidia ký kết hợp tác với FPT

"Đất hiếm là "át chủ bài" cho ngành bán dẫn, nếu Mỹ hợp tác với VN về khai thác đất hiếm, chắc chắn công nghiệp bán dẫn VN sẽ phát triển rất nhanh. Một số nhận định của các chuyên gia bán dẫn thế giới rằng VN trong vòng 5 - 7 năm tới sẽ tham gia vào các cường quốc bán dẫn trên thế giới. Tôi nghĩ đó là dự báo tích cực có cơ sở. VN có lợi thế chồng lợi thế trong thu hút dòng vốn FDI mới, vừa có nhân lực chất lượng cao, vừa có đất hiếm, vừa có chiến lược cùng sự hợp tác với các nước tiên tiến như Hàn Quốc, Nhật Bản, EU, Mỹ, chắc chắn VN sẽ trở thành cường quốc bán dẫn", GS Nguyễn Mại nhận xét và thông tin thêm, Apple đã công bố hoàn tất việc chuyển 11 nhà máy sản xuất các thiết bị nghe nhìn vào VN. Các công ty Mỹ như Boeing, Google và Walmart cũng đã công bố kế hoạch mở rộng mạng lưới nhà cung cấp và cơ sở sản xuất tại VN.

Hiện nay, VN đang có hàng chục dự án về công nghệ cao, công nghệ tương lai như AI, dữ liệu lớn (big data), đặc biệt là công nghệ bán dẫn. VN cũng là một trong những nước được thế giới đánh giá phản ứng rất nhanh với các biến động toàn cầu. Do đó, chúng ta hy vọng hiệu quả đầu tư nước ngoài sẽ tăng cao, đặc biệt có dòng vốn chất lượng và hiệu quả khác biệt.

Đằng sau những chuyến thăm VN của các tỉ phú công nghệ- Ảnh 13.

 

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.