Sinh viên khắp các trường đại học Mỹ biểu tình phản đối chiến sự Gaza

Trí Đỗ
Trí Đỗ
26/04/2024 17:08 GMT+7

Một làn sóng biểu tình ủng hộ người Palestine và kêu gọi chấm dứt chiến sự ở Dải Gaza đã diễn ra tại hàng loạt trường đại học trên khắp nước Mỹ.

Theo một thống kê của hãng tin Reuters, có gần 550 vụ bắt giữ liên quan đến biểu tình trong tuần qua tại các trường đại học lớn của Mỹ. Lãnh đạo các trường đại học cho biết những cuộc biểu tình thường trái phép. Sinh viên dựng lều trại trong khuôn viên trường, và phớt lờ yêu cầu giải tán của cảnh sát. 

Theo CNN ngày 26.4, thành phần tham gia là sinh viên từ nhiều vùng khác nhau như người Palestine, người Ả Rập, người Do Thái và người Hồi giáo.

Ứng viên tổng thống Mỹ bị bắt trong cuộc biểu tình phản đối xung đột Gaza

Tại Đại học Columbia ở New York (Mỹ) - tâm điểm của các cuộc biểu tình, các sinh viên cho biết họ sẽ không giải tán cho đến khi trường đồng ý cắt đứt quan hệ với các tổ chức nghiên cứu của Israel, thoái vốn khỏi các thực thể có liên hệ với Israel, và nhiều yêu cầu khác. Nhiều sinh viên biểu tình ở các trường đại học khác cũng có yêu cầu tương tự. Các lãnh đạo của trường đại học hiện rơi vào bế tắc và chưa tìm thấy tiếng nói chung với sinh viên.

Biểu tình bên ngoài khuôn viên Đại học Columbia (New York, Mỹ) ngày 25.4.2024.

Biểu tình bên ngoài khuôn viên Đại học Columbia (New York, Mỹ) ngày 25.4.2024.

REUTERS

Để giải quyết vấn đề trên, một số trường đại học đã chọn phương án hợp tác với cảnh sát để ngăn chặn biểu tình, dẫn đến những cuộc đụng độ và bắt giữ hàng loạt. Reuters ngày 26.4 đưa tin, trong 2 ngày qua, cảnh sát đã triển khai súng bắn điệnhơi cay đối phó những sinh viên biểu tình tại Đại học Emory ở Georgia.

Theo thông tin mới nhất, 2 giáo sư đã bị giam giữ và hơn 20 sinh bị bắt. Một nhóm nhà lập pháp thuộc đảng Dân chủ Mỹ đã lên án "lực lượng cảnh sát của bang Georgia sử dụng vũ lực quá mức" trong các cuộc biểu tình ở trường Đại học Emory.

Kịch bản tương tự cũng diễn ra tại trường Cao đẳng Emerson ở Boston, 100 sinh viên bị bắt và 4 sĩ quan cảnh sát bị thương trong quá trình xô xát. Hiệu trưởng của trường Jay Bernhardt cho biết ông công nhận và tôn trọng "sự nhiệt huyết và hoạt động dân sự châm ngòi cho cuộc biểu tình" sau hàng loạt vụ bắt giữ.

Cảnh sát bắt giữ một người biểu tình tại trường Đại học Emory (Georgia, Mỹ) ngày 25.4.2024.

Cảnh sát bắt giữ một người biểu tình tại trường Đại học Emory (Georgia, Mỹ) ngày 25.4.2024.

AFP

Theo Sky News ngày 26.4, tại Đại học Indiana Bloomington, cảnh sát với khiên và dùi cui tấn công vào dòng người biểu tình, và bắt giữ 33 sinh viên. Trong khi đó, tại trường Cao đẳng thành phố New York, các sĩ quan cảnh sát buộc rút lui khỏi cuộc biểu tình trước tiếng reo hò của hàng trăm sinh viên trong khuôn viên trường.

Bên cạnh đó, trường đại học Brown xác định khoảng 130 sinh viên bị cáo buộc vi phạm quy tắc ứng xử của trường về việc cấm cắm trại trong khuôn viên trường. Trường đại học cho biết những sinh viên bị phát hiện sẽ bị kỷ luật tùy thuộc vào mức độ vi phạm của họ.

Đại học Harvard (bang Massachusetts, Mỹ) nằm trong số nhiều trường chưa có hành động đối phó những sinh viên biểu tình.

Phản ứng khác nhau về biểu tình

Tổ chức Theo dõi Nhân quyền và Liên đoàn Tự do Dân sự Mỹ đã lên án việc bắt giữ những người biểu tình và kêu gọi lãnh đạo các trường học tôn trọng quyền tự do ngôn luận của sinh viên.

Cảnh sát dựng rào chẳn đoàn người biểu tình ngoài khuôn viên trường Đại học Columbia (New York, Mỹ) ngày 25.4.2024.

Cảnh sát dựng rào chắn đoàn người biểu tình ngoài khuôn viên trường Đại học Columbia (New York, Mỹ) ngày 25.4.2024.

REUTERS

Chủ tịch Hiệp hội quốc gia vì sự tiến bộ của người da màu (NAACP) Georgia Griggs viết trong một bức thư: "Việc sử dụng vũ lực chỉ nên được coi là biện pháp cuối cùng và phải tương xứng với mối đe dọa đặt ra".

Ngược lại, một số đảng viên đảng Cộng hòa đã cáo buộc các nhà quản lý trường đại học "mở cửa" cho hành vi quấy rối các sinh viên người Do Thái, đồng thời gây áp lực lớn lên các trường học để đảm bảo kiểm soát chặt chẽ mọi cuộc biểu tình và ngăn chặn mọi hoạt động cắm trại.

Bộ trưởng Giáo dục Mỹ Miguel Cardona ngày 25.4 cho biết đội ngũ của ông đang theo dõi chặt chẽ các cuộc biểu tình, bao gồm cả cái mà ông mô tả là "các báo cáo rất đáng báo động về chủ nghĩa bài Do Thái".

Đáp lại, các nhóm biểu tình đã phủ nhận lập luận cho rằng các cuộc biểu tình là chống Do Thái. Họ nói mục đích của biểu tình là gây áp lực buộc các trường đại học thoái vốn khỏi các công ty góp phần vào các hoạt động quân sự của Israel ở Gaza.

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.