Làn sóng cực hữu mạnh lên ở đầu não chính trường châu Âu

06/05/2024 11:04 GMT+7

Các cuộc khảo sát dự đoán làn sóng cực hữu sẽ trỗi dậy trong cuộc bầu cử Nghị viện châu Âu vào tháng 6, giành thêm quyền ảnh hưởng chính trường Brussels dù các thế lực chính thống vẫn xoay xở duy trì được quyền kiểm soát.

Áp phích ở Strasbourg (Pháp) kêu gọi bầu cử Nghị viện châu Âu tháng 6

Áp phích ở Strasbourg (Pháp) kêu gọi bầu cử Nghị viện châu Âu tháng 6

AFP

AFP hôm nay 6.5 ước tính có khoảng 370 triệu cử tri được kêu gọi tham gia bỏ phiếu từ ngày 6-9.6 tại 27 quốc gia để chọn ra 720 nghị sĩ cho nhiệm kỳ Nghị viện châu Âu kế tiếp.

Các cuộc khảo sát dự kiến quyền kiểm soát chính trường châu Âu sau bầu cử sẽ vẫn thuộc về bộ ba thế lực chính thống, lần lượt là khối đảng Nhân dân châu Âu (EPP) trung hữu, khối đảng xã hội và dân chủ thiên tả, và đảng Đổi mới châu Âu trung lập.

Ba thế lực trên thường nhượng bộ lẫn nhau để đạt được đa số phiếu cần thiết thông qua các dự luật.

Hiện câu hỏi đặt ra là EPP do Chủ tịch Ủy ban châu Âu Ursula von der Leyen dẫn đầu sẽ mở cửa đến mức nào cho phe cực hữu, được dự kiến sẽ gia tăng lực ảnh hưởng ở chính trường châu Âu.

Bà von der Leyen bác bỏ sẽ thỏa thuận với những đảng cực hữu có sự đồng cảm với chính quyền Tổng thống Nga Vladimir Putin. Đây là những đảng đang có ghế tại Nghị viện châu Âu theo khối Bản sắc và Dân chủ, bao gồm đảng Tập hợp Quốc gia của bà Marine Le Pen ở Pháp và đảng AfD của Đức.

Tuy nhiên, bà Ursula von der Leyen cũng tỏ ý có thể bắt tay với khối cực hữu chống Tổng thống Putin, bao gồm khối Bảo thủ và Cải cách châu Âu (ECR) do Thủ tướng Ý Giorgia Meloni dẫn đầu.

Nguy cơ thế cục khó lường

AFP dẫn lời bà Pascale Joannin, chủ tịch Quỹ Robert Schuman (trụ sở Luxembourg), phân tích rằng các đảng cực hữu "sẽ gia tăng ảnh hưởng, nhưng không đạt được chiến thắng vang dội" trong cuộc bầu cử Nghị viện châu Âu sắp tới.

Nếu EPP thực sự liên danh với ECR, điều này sẽ làm rối loạn thế cục với hai thế lực chính thống còn lại là khối đảng xã hội và dân chủ, và đảng Đổi mới châu Âu.

Các cuộc khảo sát ước tính EPP sẽ tiếp tục là khối đông đảo nhất tại Nghị viện châu Âu, kế đến là khối đảng xã hội và dân chủ, dù 2 đảng này được dự đoán sẽ mất ghế.

Vị trí thứ ba vẫn để ngỏ. Đảng Đổi mới châu Âu, bao gồm đảng Phục hưng của Tổng thống Pháp Emmanuel Macron, có thể mất đi vị trí này về tay nhóm cực hữu sau bầu cử.

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.