Thuế chưa kịp giảm, phí đã tăng

17/05/2024 06:27 GMT+7

Trong khi Chính phủ đang chờ Quốc hội cho phép tiếp tục thực hiện chính sách giảm 2% thuế suất thuế giá trị gia tăng để tăng sức đề kháng cho doanh nghiệp, người dân vượt khó, thì nhiều loại phí đã dồn dập tăng.

Doanh nghiệp oằn lưng vì phí chồng phí

Gần 1 tháng qua, nhiều doanh nghiệp (DN) vận tải TP.HCM lần lượt gửi thư cầu cứu, thư kiến nghị tới lãnh đạo Thành ủy và UBND TP.HCM sau khi mức giá tối đa dịch vụ sử dụng đường bộ tại dự án BOT xây dựng đường nối từ Nguyễn Duy Trinh vào Khu công nghiệp Phú Hữu (TP.Thủ Đức) được ban hành. Con đường 2,6 km này do Công ty CP xi măng Vicem Hà Tiên làm chủ đầu tư, khởi công ngày 6.6.2012 với tổng mức đầu tư khoảng 461 tỉ đồng, theo phương thức BOT. Dự án được khai thác theo phương án hợp đồng trong vòng 24 năm và dự kiến sẽ vận hành, thu phí từ quý 3/2024. Mức thu cụ thể là 66.000 đồng/lượt/cont 20' và 133.000 đồng/lượt/cont 40'.

Ông Lê Quang Lâm, Giám đốc Công ty QTL Logistics, nhấn mạnh việc triển khai kế hoạch thu phí cầu đường và trạm BOT trên đường Nguyễn Thị Tư diễn ra vào thời điểm này thật sự không hợp lý, tạo thêm áp lực không đáng có với hoạt động của đại đa số DN xuất nhập khẩu (XNK). Hiện nay, để đưa một container hàng hóa từ TP.HCM xuất khẩu ra thị trường nước ngoài và ngược lại, các DN chịu rất nhiều chi phí như: phí XNK mỗi container hàng hóa thông qua các cảng, hãng tàu, phụ phí XNK, thuế XNK; lệ phí cầu đường tại các trạm BOT hiện hữu. 

Chưa kể, DN phải đóng phí cơ sở hạ tầng cảng biển cho TP.HCM và rất nhiều chi phí phát sinh khác do hoạt động vận hành sản xuất. Đáng chú ý, lãnh đạo QTL Logistics nhận định nếu thu phí BOT đường Nguyễn Thị Tư, DN đưa hàng XKN vào các cảng khu vực Phú Hữu sẽ phải chịu phí chồng phí. Đây là khu vực tập trung nhiều cảng biển có những tuyến dịch vụ đặc thù, là cửa ngõ xuất/nhập khẩu nơi các chủ hàng đều mong muốn sử dụng dịch vụ, đồng thời tuyến đường này là huyết mạch độc đạo, xe ra vào bắt buộc phải trên cùng một tuyến đường. Vì thế, nếu thêm 1 trạm BOT, DN sẽ phát sinh 132.000 đồng/2 lượt/cont 20' và 266.000 đồng/2 lượt/cont 40'. 

"So sánh với các trạm BOT hiện hữu, chiều dài 2,6 km đường Nguyễn Thị Tư với mức thu phí cầu đường như vậy đang thực sự khá chênh lệch, ảnh hưởng rất lớn tới các chi phí XNK của chúng tôi, phát sinh không đáng có quá nhiều, trực tiếp đưa DN vào trạng thái phải bù lỗ trên mỗi chuyến vận tải", ông Lê Quang Lâm chỉ rõ.

Tương tự, Công ty TNHH Xưởng giấy Chánh Dương và Công ty TNHH thương mại và tiếp vận Việt Long cũng gửi đơn kêu cứu với cùng nội dung, nhấn mạnh việc triển khai kế hoạch thu phí cầu đường và trạm BOT trên đường Nguyễn Thị Tư thời điểm này gây áp lực "quá khủng khiếp" lên DN. Với những đơn vị có quy mô lớn như Công ty Chánh Dương, số lượng hàng hóa XNK khoảng 140.000 cont/năm, chi phí sẽ đội lên rất nhiều.

Thuế chưa kịp giảm, phí đã tăng- Ảnh 1.

Chính phủ đang thực hiện giảm nhiều loại thuế, phí để hỗ trợ người dân và DN nhưng phí BOT lại tăng

Nhật Thịnh

Theo tính toán, mỗi chuyến hàng qua trạm BOT Phú Hữu sẽ "cõng" thêm 10 USD. Chưa tính các xe tải nhỏ giao nhận hàng tại kho, chỉ với số lượng bình quân xe container ra/vào 2 cảng thuộc khu vực Phú Hữu khoảng 3.500 lượt/ngày (cảng Tân Cảng - Phú Hữu 2.336 lượt xe/ngày và SP-ITC 1.168 lượt xe/ngày), thì tổng chi phí cho hàng container giao nhận qua 2 cảng sẽ đội thêm xấp xỉ… 13 triệu USD/năm.

Trước đó, Bộ GTVT cũng đã chấp thuận tăng phí tại 41 dự án BOT giao thông. Phần lớn trạm thu vé lượt tăng từ 11 - 18% theo các nhóm xe tương ứng với mức tăng phổ biến thấp nhất 35.000 đồng với xe nhóm 1 và cao nhất 200.000 đồng với xe nhóm 5. Hầu hết các dự án BOT thu vé lượt đều áp dụng tăng kịch mức tối đa với xe nhóm 3, nhóm 4 và nhóm 5. Với dự án đường cao tốc thu phí theo ki lô mét, cao tốc Pháp Vân - Cầu Giẽ (Hà Nội) mức tăng phí bình quân 18%. Còn đường cao tốc Hà Nội - Hải Phòng mức phí gần 5% đến gần 20% theo các nhóm xe…

Bên cạnh đó, giai đoạn vừa qua, giá của rất nhiều mặt hàng cũng đã tăng. Giá điện chính thức áp dụng mức tăng thêm 4,5% hồi tháng 11.2023; theo sau là giá dịch vụ thoát nước và xử lý nước thải cho TP.HCM; tiếp đến là áp dụng tăng trần giá vé máy bay. Mới nhất, dự thảo luật Thuế giá trị gia tăng (GTGT) sửa đổi do Bộ Tài chính đang lấy ý kiến quy định tất cả các dịch vụ xuất khẩu sẽ áp dụng thuế GTGT 10% ngoại trừ một số dịch vụ được quy định chi tiết tại khoản này. Góp ý dự thảo, Hiệp hội Chế biến và xuất khẩu thủy sản VN (VASEP) cho rằng việc đánh thuế GTGT đối với dịch vụ xuất khẩu là không phù hợp với thông lệ, xu hướng của thế giới, tăng chi phí, giảm sức cạnh tranh của hàng hóa xuất khẩu so với các nước…

Chính phủ đang trình giảm thuế

Trái ngược với câu chuyện tăng phí của một số lĩnh vực, Chính phủ vừa có tờ trình Quốc hội về kết quả thực hiện việc giảm 2% thuế suất thuế GTGT theo Nghị quyết số 110/2023 của Quốc hội tại Kỳ họp thứ 6, Quốc hội khóa XV. Tại tờ trình, Chính phủ cho biết trong thời gian tới, dự báo tình hình thế giới và khu vực còn nhiều bất ổn, diễn biến nhanh, phức tạp và khó dự báo. Trong nước, mặc dù hoạt động sản xuất, kinh doanh nhiều ngành, lĩnh vực khởi sắc, triển vọng tích cực, được tiếp sức bởi các chính sách, giải pháp tháo gỡ khó khăn của Chính phủ nhưng thách thức nhiều hơn thời cơ và thuận lợi. 

Để kịp thời ứng phó với diễn biến tình hình kinh tế - xã hội, đồng thời cân nhắc, tính toán phù hợp với điều kiện thực tế, Chính phủ cho rằng cần triển khai quyết liệt, hiệu quả các giải pháp hỗ trợ về thuế, phí, lệ phí và tiền thuê đất ban hành trong năm 2023. Trên cơ sở đó, Chính phủ trình Quốc hội xem xét cho phép tiếp tục thực hiện chính sách giảm 2% thuế suất thuế GTGT đối với một số nhóm hàng hóa, dịch vụ đang áp dụng thuế suất thuế GTGT 10% trong 6 tháng cuối năm 2024 (từ ngày 1.7 - 31.12). Đồng thời, nghiên cứu, đề xuất một số giải pháp về thuế, phí, lệ phí và tiền thuê đất cho năm 2024 như: tiếp tục xem xét giảm thuế GTGT 2%; gia hạn thuế GTGT, thuế thu nhập DN, thuế tiêu thụ đặc biệt, thuế thu nhập cá nhân (TNCN); giảm mức thu một số khoản phí, lệ phí và giảm tiền thuê đất như áp dụng trong năm 2023.

Luật sư Trần Xoa, chuyên gia về thuế, nhận định: Việc giảm 2% thuế GTGT kéo dài đến hết năm 2024 là đúng trong bối cảnh kinh tế vẫn khó khăn, nhất là sức mua khá yếu. Đây là giải pháp mang tính lợi ích kép để kích cầu tiêu dùng trực tiếp. Có thể tính trên giá trị nhiều món hàng thì mức giảm 2% còn thấp nhưng cũng tạo hiệu ứng rất tích cực cho người tiêu dùng. Khi có khách mua hàng hóa, DN bán được hàng sẽ gia tăng sản xuất, mang lại công ăn việc làm, tạo thu nhập cho nhiều người. Từ đó người tiêu dùng có tiền sẽ tăng cường mua hàng hóa. Bản thân DN sẽ có lợi nhuận và quay lại nộp thuế thu nhập DN. 

Ngoài ra, Chính phủ cần xem xét giảm thuế cho người nộp thuế TNCN. Trong đó, nâng mức giảm trừ gia cảnh (GTGC) cho người nộp thuế TNCN. Đây là giải pháp phối hợp cùng chính sách giảm thuế nói chung để gia tăng hiệu quả, hỗ trợ tiêu dùng và sản xuất. Trong khi chờ đến cuối năm 2025 mới sửa đổi luật Thuế TNCN toàn diện thì trước mắt, Chính phủ có thể xem xét trình Quốc hội nâng mức GTGC cho bản thân người nộp thuế từ 11 triệu đồng lên 15 triệu đồng và theo đó nâng mức GTGC cho người phụ thuộc lên bằng 40% mức GTGC của người nộp thuế. Chỉ cần thay đổi một quy định này là đã góp phần đẩy mạnh tiêu dùng, tổng lực kích cầu để hỗ trợ tăng trưởng kinh tế.

Theo Bộ Tài chính, tổng giá trị của các giải pháp gia hạn, miễn, giảm các khoản thuế, phí, lệ phí và tiền thuê đất như gia hạn thuế GTGT, thuế thu nhập DN, thuế TNCN, thuế tiêu thụ đặc biệt và tiền thuê đất; miễn, giảm thuế nhập khẩu, thuế bảo vệ môi trường, tiền thuê đất... để hỗ trợ DN, người dân lên tới khoảng 700.000 tỉ đồng và dự kiến đối với những giải pháp đã ban hành, thực hiện từ đầu năm 2024 là khoảng 68.000 tỉ đồng.

Chính sách cần đồng bộ để tối ưu hiệu quả

Nhìn tổng quan thị trường, TS Vũ Tiến Lộc, Ủy viên Ủy ban Kinh tế của Quốc hội, đánh giá: Nền kinh tế hiện đang khó khăn và sẽ còn tiếp tục khó khăn do kinh tế thế giới phục hồi chậm, còn nhiều rủi ro. Trong nước, chưa bao giờ số lượng DN rút khỏi thị trường nhiều như hiện nay. Dù số DN đăng ký mới vẫn tăng nhưng lần đầu tiên trong lịch sử, số lượng DN dừng hoạt động còn lớn hơn nhiều. Khi DN phải thu hẹp hoặc dừng sản xuất thì cũng đồng nghĩa một bộ phận người lao động thất nghiệp, đời sống người dân hết sức khó khăn. Trong bối cảnh chung như vậy, chủ trương của Chính phủ vẫn là tìm cách tháo gỡ khó khăn cho DN, cho người dân. Điều này thể hiện qua những đề xuất giảm thuế, giảm thủ tục hành chính…

Tuy nhiên, theo ông Vũ Tiến Lộc, "giảm thuế GTGT 2% nhưng lại tăng phí BOT 10%; tăng lương cho người dân một chút nhưng giá xăng, điện, nước cũng đồng loạt tăng theo… như vậy thì giảm thuế chẳng còn ý nghĩa gì". Ông nói cần đồng bộ, hài hòa các chính sách, tránh "trống đánh xuôi, kèn thổi ngược". Các loại giá, phí vẫn phải tuân theo nguyên tắc của thị trường nhưng cần xử lý theo hướng hỗ trợ DN, đảm bảo đời sống người dân ổn định trong giai đoạn khó khăn hiện nay. Ví dụ, phí BOT vẫn phải thu để đảm bảo lợi ích thu hồi vốn của nhà đầu tư nhưng có thể tính toán cho phép kéo dài thời gian thu phí, tránh tăng giá quá mạnh tại thời điểm này. Khi nền kinh tế bứt tốc tăng trưởng trở lại sẽ điều chỉnh lộ trình theo hướng tích cực hơn. Chính sách cần linh hoạt, hợp lý tùy từng thời điểm để đảm bảo ổn định kinh tế - xã hội, mục tiêu trước nhất là duy trì sự sống cho DN đến khi có thể bứt tốc tăng trưởng trở lại.

Đồng tình, TS Huỳnh Thanh Điền, chuyên gia kinh tế, nhận định đây là thời điểm nhà nước cần thực hiện nhiều chính sách để lấy lại đà tăng trưởng, điển hình là mở rộng tài khóa, mở rộng tiền tệ, để lại tiền cho người dân tăng chi tiêu, để lại tiền cho DN có vốn làm ăn, mở rộng hoạt động kinh doanh. "Linh hồn" của chính sách mở rộng tài khóa là tăng chi tiêu công, giảm thu, giảm những khoản chi phí đầu vào để hỗ trợ DN giảm giá thành sản phẩm, tăng sức cạnh tranh. Khi DN khôi phục được hoạt động sản xuất kinh doanh đồng nghĩa với tạo ra nhiều công ăn việc làm, người dân có thêm thu nhập để chi tiêu, từ đó giúp thị trường sôi động, khôi phục kinh tế. Khi kinh tế ổn định thì có thể tăng thu để bù lại thâm hụt ngân sách.

"Trong từng giai đoạn, các chính sách thuế, phí cần cân chỉnh sao cho phù hợp, không cứng nhắc. Khi thu nhập người dân giảm, tình hình kinh doanh của DN khó khăn thì cần xem xét miễn, giảm các loại thuế, phí để hỗ trợ người dân, hỗ trợ chi phí đầu vào cho DN. Hai năm vừa rồi, Chính phủ đặt mục tiêu mở rộng chính sách tài khóa, chấp nhận bội chi ngân sách để đẩy mạnh đầu tư công, thúc đẩy kinh tế, nhưng số liệu cho thấy kết quả ngược lại. Năm nào tổng kết cũng bội thu, chi thì chưa đạt 90% kế hoạch đề ra. Có địa phương còn chưa vượt ngưỡng 60%. Nếu chi khó quá như vậy thì phải giảm thu, để tiền lại cho người dân kinh doanh, sản xuất. Mở rộng chính sách tài khóa cần những hành động thiết thực hơn, tác động trực tiếp đến lợi ích của người dân và DN", TS Huỳnh Thanh Điền kiến nghị.

Chuyên gia kinh tế, TS Bùi Trinh cho rằng trong bối cảnh hiện nay, Chính phủ giảm được bất kỳ thuế, phí hay lệ phí nào đều đáng quý. Thế nhưng, trong khi Chính phủ đề xuất giảm nhiều loại thuế, phí và lệ phí thì một số lĩnh vực, ngành nghề lại tăng phí. Điều này hoàn toàn vô lý và thể hiện sự không đồng bộ, nhất quán theo tinh thần của Chính phủ. Điều quan trọng nhất là các chính sách hỗ trợ của Chính phủ hiện nay đối với người dân, DN cần phải được thực hiện đồng bộ. Thậm chí, Chính phủ đã nêu cần xem xét đánh giá lại các loại thuế, phí ở nhiều sản phẩm khác. Chẳng hạn, giảm thuế tiêu thụ đặc biệt, phí môi trường đối với xăng dầu vì đây là mặt hàng thiết yếu của toàn dân và cũng là đầu vào của DN. Nếu giá xăng dầu được giảm sẽ làm chi phí sản xuất đi xuống, giảm giá hàng hóa. 

"Nếu chỗ nào chưa giảm được thì cũng không thể tăng trong bối cảnh hiện nay. Việc tập trung thực hiện quyết liệt, đồng bộ các giải pháp về chính sách tài chính thời gian qua có tác động tích cực trong việc hỗ trợ DN và người dân ổn định sản xuất kinh doanh, đời sống của người dân được trở lại bình thường, góp phần ổn định kinh tế vĩ mô, tạo điều kiện thuận lợi để thúc đẩy phục hồi và tăng trưởng kinh tế", TS Bùi Trinh nói.

Thực hiện thêm nhiều giải pháp giảm thuế, phí cho người dân

Ngoài đề xuất tiếp tục giảm thuế GTGT, giảm và gia hạn một số loại thuế, phí của Chính phủ, cần phải xem xét thực hiện thêm nhiều giải pháp khác để kích thích thị trường tiêu dùng. Trong đó việc xem xét lại quy định về thuế TNCN là cần thiết. Cụ thể, mức GTGC cho người nộp thuế là 11 triệu đồng và người phụ thuộc là 4,4 triệu đồng đã được duy trì từ tháng 7.2020. Với mức sống của hàng triệu người dân thành thị hiện nay thì mức giảm trừ trên không đủ trang trải từ thuê nhà đến đi lại, sinh hoạt hằng ngày khi giá cả không ngừng tăng cao. Nếu vẫn giữ cách đánh thuế như hiện nay sẽ dẫn đến một số hệ lụy nhất định: Những người dân trung thực, tuân thủ pháp luật sẽ chịu thiệt; khi thuế TNCN càng cao thì sẽ càng khiến người dân có tâm lý trốn tránh. Trong khi đó, việc tăng mức GTGC, rút ngắn thời gian điều chỉnh, thiết kế lại biểu thuế cho phù hợp chưa chắc đã làm ảnh hưởng đến thu ngân sách nhà nước.

PGS-TS Phạm Thế Anh, Trưởng khoa Kinh tế học, Trường đại học Kinh tế Quốc dân

Chỉ số giá tiêu dùng có thể tăng

Theo Tổng cục Thống kê, chỉ số giá tiêu dùng (CPI) quý 1/2024 tăng 3,77% so với cùng kỳ năm 2023. Trong đó, ngoài nguyên nhân đầu tiên do giá gạo trong nước tăng cao thì còn có nguyên nhân chỉ số giá nhóm nước sinh hoạt tăng 10,58% do nhu cầu sử dụng nước tăng; đồng thời một số tỉnh, TP trực thuộc T.Ư đã tăng giá nước theo quyết định của UBND tỉnh. Cùng với đó, chỉ số giá nhóm điện sinh hoạt tăng 9,38% do nhu cầu sử dụng điện tăng cùng việc Tập đoàn điện lực VN (EVN) điều chỉnh mức giá bán lẻ điện bình quân. Tổng cục Thống kê cũng dự báo EVN có thể tiếp tục tăng giá điện khi nguyên liệu đầu vào như xăng dầu, than đều đang ở mức cao, góp phần tác động làm tăng CPI trong giai đoạn tiếp theo của năm.

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.