Độc đáo 26 tấm bia hậu ở chùa Cao Xá

Minh Phong
Minh Phong
05/05/2024 12:20 GMT+7

Tại các đình, chùa, đền… khu vực Bắc bộ, ta thường hay bắt gặp những tấm bia đá khắc chữ Hán Nôm để ghi danh những người có đóng góp cho việc xây dựng các công trình này. Bia hậu cũng có ý nghĩa tương tự như vậy. Nhưng, thay vì khắc chữ, những tấm bia hậu được chạm khắc hình các bà mẹ.

Nếu là người lạ hoặc khách thập phương lần đầu đến chùa Cao Xá (thôn Cao Xá, xã Cao An, H.Cẩm Giàng, Hải Dương) sẽ không khỏi tò mò, băn khoăn bởi 4 dãy bia hậu, có 26 tấm, được đặt trong nhà bia ở phía bên trái nhà tam bảo. 

Bia hậu nhằm tôn vinh người bà, người mẹ

PV đem thắc mắc về "bia hậu" hỏi thầy Thích Tục Thịnh, trụ trì chùa Cao Xá, thì được thầy Thịnh lý giải: "Thật ra, tục cúng hậu tại các cơ sở thờ tự ở Việt Nam không mới, có từ rất lâu dưới chế độ phong kiến với ảnh hưởng của tư tưởng Lão giáo và Nho giáo, nên Phật giáo đồng thời cũng hòa đồng với các tư tưởng đó".

Độc đáo 26 tấm bia hậu ở chùa Cao Xá- Ảnh 1.

Nhà bia chùa Cao Xá

MINH PHONG

Theo thầy Thịnh, với tư tưởng này, các cụ ông thường hay ra đình, còn các cụ bà thường hay đi chùa. Khi các cụ bà ra chùa, họ đóng góp về của cải, ruộng đất, sức lực để góp phần xây dựng, tôn tạo chùa. Sau khi đã hoàn thành công việc, các thành viên trong gia đình có công lao đóng góp cho chùa sẽ để người bà, người mẹ của mình ghi danh, và họ sẽ được những người thợ đá chạm khắc hình hài lên trên tấm bia, và gọi là bia hậu. Cạnh của tấm bia có ghi tên cụ thể của người được chạm khắc.

Độc đáo 26 tấm bia hậu ở chùa Cao Xá- Ảnh 2.

Bia hậu được đặt trong nhà bia

MINH PHONG

Độc đáo 26 tấm bia hậu ở chùa Cao Xá- Ảnh 3.

Các tấm bia hậu có hình dáng, kích thước khác nhau và niên đại khác nhau

MINH PHONG

Đặt thợ đá làm xong, những tấm bia hậu có hình hài của người bà, người mẹ, sẽ được con cháu đưa ra đặt ở một góc trang trọng trong chùa. "Các tấm bia hậu được các gia đình mang đến có kích cỡ khác nhau, có bia to, bia nhỏ, bia cao, bia thấp, không đồng đều, do mỗi gia đình có điều kiện, hoàn cảnh khác nhau, và các tấm bia cũng không phải là cùng một thợ đá chạm khắc", thầy Thịnh lý giải.

Một tấm bia hậu chịu sự tác động của thời gian

Một tấm bia hậu chịu sự tác động của thời gian

MINH PHONG

Cạnh các tấm bia hậu đều có tên tuổi người được chạm khắc bằng chữ Hán Nôm

Cạnh các tấm bia hậu đều có tên tuổi người được chạm khắc bằng chữ Hán Nôm

MINH PHONG

Tài liệu từ Viện nghiên cứu Hán Nôm, đến đầu thế kỷ XX, cùng với những biến động lớn của xã hội, cũng như nhiều sinh hoạt khác của đời sống tâm linh, tục cúng hậu không còn những cơ sở về vật chất cũng như về nhu cầu tinh thần của xã hội. Vì vậy, tục này tạm thời chìm lắng và ẩn mình trong những di sản còn sót lại của nền văn hóa thời phong kiến.

Độc đáo 26 tấm bia hậu ở chùa Cao Xá- Ảnh 6.

Rêu phong phủ mái nhà bia

MINH PHONG

Tuy nhiên, trong tâm thức người Việt, việc cúng giỗ tổ tiên, nương nhờ cửa phật vẫn còn. Vì vậy, đến những năm 80, 90 của thế kỷ XX, cùng với sự phục hồi các giá trị truyền thống, tục cúng hậu, ký hậu có điều kiện phục hưng nhưng với một bộ mặt mới, với những thủ tục được rút gọn, biến đổi nhiều.

Những bia hậu kiểu mới thông thường được khắc đơn giản. Phần lớn khắc bằng chữ Quốc ngữ, cũng có thể khắc nửa chữ Quốc ngữ nửa chữ Hán; bia thường được khắc khổ nhỏ. Tên bia thường được đặt là "Bia ký hậu" hoặc không có tên. Nội dung thường chỉ có họ tên của những người ký hậu (cho một người hoặc cả gia đình), ngày sinh, ngày mất, có thể có thêm ảnh khắc đá; không có bài minh, không ghi thể lệ và lễ vật mà chùa sẽ cúng giỗ.

Độc đáo 26 tấm bia hậu ở chùa Cao Xá- Ảnh 7.

Nhà bia hậu được kết cấu hoàn toàn bằng gỗ

MINH PHONG

Dù thời kỳ phong kiến hay xã hội hiện đại, tục cúng hậu rồi lập bia hậu được coi là một tục lệ xưa, có tính chất tốt đẹp của người Việt Nam. Con cái muốn người mẹ được ghi danh, sau này sẽ để lại phúc cho con cháu. Và qua các tấm bia hậu ở từng thời kỳ, người ta có thể hiểu được một phần về nét sinh hoạt, đời sống, văn hóa thời kỳ đó.

Ngôi chùa cổ gần 500 năm tuổi

Theo thầy Thích Tục Thịnh, qua các văn bia còn lưu lại đến ngày nay, chùa Cao Xá được xây dựng lần đầu vào năm 1542, tính đến nay đã gần 500 năm, với các công trình như: tiền đường, tam bảo, nhà mẫu, nhà bia.

Độc đáo 26 tấm bia hậu ở chùa Cao Xá- Ảnh 8.

Bia cổ còn lưu giữ xác định chùa Cao Xá có niên đại từ năm 1542

MINH PHONG

Độc đáo 26 tấm bia hậu ở chùa Cao Xá- Ảnh 9.

Chuông chùa Cao Xá được đổ lại từ thời vua Thành Thái

MINH PHONG

Trải qua những biến động của lịch sử, vào những năm 1885 – 1889, chùa Cao Xá được nhân dân, phật tử tiến hành đại trùng tu. Ông Đỗ Văn Sơn, Trưởng tiểu ban quản lý khu di tích chùa Cao Xá, kể lại trước kia chùa có quả chuông lớn, ngân vang; binh lính triều đình đi đánh giặc đã tới mượn chuông để đem ra trận, rồi thất lạc. Sau này, binh lính đã đóng góp, đổ lại quả chuông trả lại nhà chùa, dưới thời vua Thành Thái thuộc nhà Nguyễn.

Độc đáo 26 tấm bia hậu ở chùa Cao Xá- Ảnh 10.

Bằng công nhận di tích lịch sử văn hóa quốc gia đối với đình, chùa Cao Xá

MINH PHONG

Độc đáo 26 tấm bia hậu ở chùa Cao Xá- Ảnh 11.

Tiền đường chùa Cao Xá

MINH PHONG

Năm 1995, chùa Cao Xá được Bộ Văn hóa Thông tin (nay là Bộ VH-TT-DL) cấp bằng công nhận di tích lịch sử quốc gia. Đến nay, ngoài những hạng mục công trình có từ trước, nhà tổ đã được xây dựng xong và đưa vào sử dụng, nhà khách đang được xây dựng.

"Trải qua nhiều thế kỷ, mưa nắng, và sự bào mòn của thời gian, nhiều hạng mục công trình đã xuống cấp, đặc biệt là nhà bia đặt 26 tấm bia hậu đã bị dột nát, mối mọt. Chúng tôi đang đề nghị Sở VH-TT-DL tỉnh Hải Dương có thiết kế để trình lên Bộ VH-TT-DL phê duyệt kế hoạch cải tạo lại khu vực nhà bia. Khi được các cơ quan chức năng có thẩm quyền nhất trí, chúng tôi sẽ tiến hành trùng tu", thầy Thích Tục Thịnh chia sẻ.

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.